|
Tàu tác chiến cận bờ USS Freedom của Mỹ đang neo đậu tại căn cứ Hải quân Changi, Singapore.
|
Các bộ trưởng quốc phòng của châu Á-Thái Bình Dương đang đến khách sạn Shangri-La sang trọng để tham dự diễn đàn an ninh duy nhất hàng năm của khu vực – Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức.
Đối thoại Shangri-La được tổ chức trong một năm không chỉ căng thẳng biển đảo châu Á - Thái Bình Dương leo thang nguy hiểm mà những vấn đề đau đầu và hóc búa liên quan đến tương lai của các mối quan hệ quan trọng bậc nhất trong khu vực, nhất là cuộc chạm trán chiến lược giữa Mỹ và cường quốc đang lên Trung Quốc.
Theo Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành IISS John Chipman, những căng thẳng như vậy đang ngày càng gia tăng và diễn ra thường xuyên hơn trong khu vực.
“Dường như những căng thẳng nguy hiểm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng gia tăng theo năm tháng. Chắc chắn trong 4, 5 năm qua, chúng ta từng phải đối mặt với các vụ thử và phóng tên lửa của Triều Tiên cũng như một loạt các tranh cãi liên quan điến chủ quyền Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đặc biệt năm nay, các vấn đề trên lại càng nổi lên mạnh mẽ hơn”, ông John bình luận.
Chủ tịch IISS John Chipman nói tiếp: “Đối thoại Shangri-La mang đến một cơ hội. Các bộ trưởng quốc phòng trong khu vực và các bên có lợi ích ở châu Á- Thái Bình Dương có cơ hội cùng thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực cũng như tìm ra biện pháp giải quyết mọi sự hiệu quả hơn. Được tổ chức kể từ năm 2002, Đối thoại Shangri-La là ‘điểm hẹn’ duy nhất của các bộ trưởng quốc phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đối thoại luôn mở rộng cửa chào đón các quốc gia hữu quan có cơ hội gặp nhau ít nhất mỗi năm một lần”.
|
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của IISS, John Chipman.
|
Đối thoại Shangri-La cũng là cơ hội để các bộ trưởng quốc phòng trong khu vực gặp gỡ song phương bên lề hội nghị. Không chỉ các căng thẳng lãnh thổ, hàng hải tại các vùng biển tranh chấp ở châu Á mà sự bất ổn của khu vực liên quan đến thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc sẽ là vấn đề nóng trên bàn nghị sự của hội nghị.
Các cáo buộc liên tiếp gần đây liên quan đến việc tin tặc Trung Quốc ngày càng tăng cường hoạt động, đánh cắp được một loạt các thông tin bí mật nhạy cảm, đặc biệt của Mỹ và Australia, cũng sẽ được thảo luận nghiêm túc.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không cử bộ trưởng quốc phòng tham dự Đối thoại Shangri-La, mà phái Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Trung tướng Thích Kiến Quốc, tới Singapore.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ chủ trì các cuộc gặp 3 bên với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc và Nhật Bản. Đồng thời, ông Hagel cũng dự kiến họp song phương với 2 người đồng cấp đến từ Australia và Nhật. Ông Chuck Hagel từng ủng hộ thành lập Đối thoại Shangri-La cách đây hơn 10 năm.
Bộ trưởng Hagel cũng sẽ tới thăm tàu sân bay USS Freedom – con tàu tượng trưng cho chiến lược tái cân bằng hay hướng về châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. USS Freedom dự kiến lưu lại ở Singapore trong khoảng 10 tháng.
Một phát ngôn viên Mỹ nhấn mạnh, chiến lược tái cân bằng châu Á có ảnh hưởng về mặt kinh tế và ngoại giao quan trọng không thua kém mặt quân sự. Tuy nhiên, những tác động về mặt quân sự của chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ khiến Trung Quốc đặc biệt bất an.
Bắc Kinh không ít lần cáo buộc, chiến lược này là nhằm kìm chế sức mạnh đang lên của Trung Quốc nhằm bảo vệ ưu thế quân sự vượt trội của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Từ đó, các nhà phân tích quan ngại, sự nghi kỵ lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng vốn đã nguy cơ thổi bùng lên xung đột trong khu vực.
Ngoài ra, Đối thoại Shangri-La cũng diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến California vào tuần tới để gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama. Cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ được kỳ vọng sẽ đóng vai trò thúc đẩy quan hệ chiến lược giữa 2 nước. Nhiều người dự đoán, thông qua hội nghị thượng đỉnh California, Trung Quốc muốn thuyết phục Mỹ chấp nhận vai trò đang ngày càng gia tăng của nước này trong khu vực.
Viện dẫn việc Trung Quốc ca ngợi giá trị của Đối thoại Shangri-La là "độc lập, công bằng và cởi mở”, Tổng giám đốc IISS kỳ vọng Chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đích thân tham dự hội nghị an ninh duy nhất của khu vực và trực tiếp lắng nghe quan điểm của các đối tác châu Á-Thái Bình Dương.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU