Đối với Mỹ, sự thay đổi này là khá tự nhiên và là một sự tiếp nối hợp lý sau khi ký kết thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran. Nhưng đối với Ả-rập Xê-út, đây quả là một liều thuốc đắng khi “đối thủ truyền kiếp” Iran được công nhận là một bên có ảnh hưởng ở Trung Đông, một cái gì đó mà Riyadh khó có thể nuốt trôi.
Ả-rập Xê-út từng lo sợ rằng thỏa thuận hạt nhân sẽ chấm dứt sự cô lập quốc tế đối với Iran, cho phép Tehran tăng cường ảnh hưởng trong khu vực. Do đó, việc Riyadh đã nhường cho Mỹ (và có thể cả Nga) mời Iran tham gia đàm phán cho thấy sự yếu kém của Ả-rập Xê-út đến mức độ nào. Mặt khác, đây cũng có thể nằm trong tính toán của Ả-rập Xê-út vốn đang sa lầy trong cuộc chiến Yemen.
|
Đàm phán ở thủ đô Vienna về việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
|
Mặt khác, Mỹ mời Iran vào bàn đàm phán là do sự hiện diện đáng kể của nước này ở Syria và do quan hệ tuyệt vời của Tehran với ban lãnh đạo ở Damascus. Có lẽ, Mỹ muốn làm việc với Iran về Syria để mở rộng hợp tác về các vấn đề khác trong tương lai, chẳng hạn như cuộc chiến Yemen.
Iran đang giữ nhiều con bài tủ về vấn đề Syria. Iran đang hợp tác chặt chẽ với Nga vào thời điểm hiện nay của cuộc xung đột Syria. Đồng thời, Iran hiện có cơ hội để chứng tỏ là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và là một yếu tố không thể bỏ qua đối với an ninh ổn định khu vực.
Một yếu tố khác là Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) đang đi đầu trong cuộc chiến Syria. Lực lượng này đã phải chịu tổn thất rất lớn và muốn có tiếng nói có trọng lượng đối với các kết quả của cuộc chiến Syria. Vấn đề là ở chỗ, "chiến thắng" ở Syria sẽ nâng cao tầm vóc của IRGC và ảnh hưởng chính trị ở Iran. Không nhất thiết IRGC phải là kẻ thù thâm căn cố đế của Mỹ. Tại Iraq, rõ ràng, Mỹ và IRGC đang làm việc cùng nhau và thậm chí có thể phối hợp với nhau dưới một số hình thức nhất định.
Iran vốn là một đồng minh trung thành của Tổng thống Bashar Al-Assad. Nước này có tầm nhìn chiến lược về cuộc khủng hoảng Syria và có lợi ích riêng.
Câu hỏi lớn đặt ra là liệu Iran có chấp nhận một quá trình chuyển đổi ở Syria mà không có Assad vào một thời điểm nào đó? Điệp khúc Iran là phải để cho người dân Syria quyết định về chính phủ tương lai của họ. Có sự mơ hồ chiến lược trong lập trường của Iran về điểm này, mà có thể là cố ý.
Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Iran, ông Hossein Amir Abdollahian, vẫn khẳng định vai trò trung tâm của Tổng thống Assad trong bất kỳ giải pháp nào ở Syria. Tháng trước, trong chuyến thăm tới Beirut, ông Abdollahian nói: "Giải pháp chính trị là cách duy nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria và Bashar la-Assad là một phần của giải pháp đó”.
Một lần nữa, trong chuyến thăm Damascus, Thứ trưởng Ngoại giao Hossein Amir Abdollahian lại nhấn mạnh: "Mọi kế hoạch thành công nào để giải quyết khủng hoảng Syria đều phải xem xét vai trò trung tâm của người dân Syria trong việc quyết định tương lai và số phận của họ và vai trò của chính phủ Assad là rất cần thiết và quan trọng trong các giải pháp tiềm năng”.
Nửa tháng sau, trong chuyến thăm Moscow để tham vấn về Syria, ông Abdollahian nói: "Iran và Nga là những đối tác chính trong việc giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng ở Syria”. Ông nhấn mạnh rằng Tổng thống hợp pháp Bashar al-Assad, phải là một phần của các cuộc đàm phán về tương lai chính trị của Syria”.
Nói tóm lại, trật tự chính trị trong khu vực đã thay đổi đáng kể với sự đảo chiều mới nhất trong lập trường của Mỹ, khi sẵn sàng ngồi với Iran để thảo luận về Syria.