Trong những năm gần đây, tình hình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang ngày càng xấu đi do những tranh chấp gay gắt về chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
|
Toàn cảnh Hội thảo “Hướng đến những vùng biển mở và tự do ở châu Á: Vai trò của Luật quốc tế trong việc duy trì trật tự trên biển”. Ảnh: VOV |
Căng thẳng gia tăng trên biển
Đối với Biển Đông, đây là vùng biển có tầm quan trọng không phải bàn cãi. Xét về vị trí chiến lược, Biển Đông là một trong những tuyến giao thương đường biển tấp nập bậc nhất trên thế giới. Có lẽ cũng chính vì lý do này mà trong những thập kỷ qua, Biển Đông được xem là một trong những điểm xung đột tiềm tàng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương bởi các tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp biển phức tạp giữa các quốc gia trong khu vực.
Tại Hội thảo “Hướng đến những vùng biển mở và tự do ở châu Á: Vai trò của Luật quốc tế trong việc duy trì trật tự trên biển” do Học viện Ngoại giao kết hợp với Đại sứ quán Nhật Bản và Đại sứ quán Anh tổ chức sáng 12/9 ở Hà Nội, các học giả tham dự cũng đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng ở khu vực này thời gian qua.
Nổi lên trong căng thẳng trên biển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là hoạt động trái phép của Trung Quốc nạo vét, bồi lấp, xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông và quân sự hóa các hòn đảo này. Ngoài câu chuyện chủ quyền, còn một vấn đề chiến lược khác ít được mọi người nhắc đến, đó là sự xuống cấp nhanh chóng của các nguồn tài nguyên và môi trường biển trong khu vực.
Sinh kế của hơn 500 triệu người dân Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Indonesia phụ thuộc vào Biển Đông. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu, nguồn hải sản ở Biển Đông đã suy giảm 70 – 95% kể từ những năm 1950.
Nguyên nhân của hiện tượng này, ngoài việc các nước liên quan chưa ý thức được việc cần phải ngăn chặn hoạt động khai thác tận diệt còn phải kể đến tác động khủng khiếp của hoạt động nạo vét xây dựng của Trung Quốc – các hoạt động này đã và đang làm tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái ở Biển Đông.
Cần một “trật tự”
Trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ ngày càng gay gắt và những va chạm lợi ích ở Biển Đông gia tăng như hiện nay, các quốc gia trong khu vực đang hướng tới thiết lập nhận thức chung về một trật tự và những chuẩn mực có thể chấp nhận được với một Bộ Quy tắc Ứng xử giữa các quốc gia ven biển trong khu vực.
Tuy nhiên, theo ông Abhijit Singh, Viện trưởng Viện Sáng kiến An ninh Hàng hải Tổ chức Nghiên cứu Quan sát viên (ORF), New Delhi, Ấn Độ việc diễn giải “trật tự” trên biển vẫn còn nhiều khác biệt đáng kể.
Trong khi một số quốc gia cho rằng “trật tự” phải nhấn mạnh đến sự hợp tác giữa các quốc gia và tầm quan trọng của sự đồng thuận trong quản lý khu vực thì có nước lại đi theo quan điểm trái ngược khi cho rằng lực lượng hải quân có thể tạo dựng sự tin cậy thông qua hành động của họ trên biển.
Ví dụ điển hình cho cách tiếp cận này là Trung Quốc, ông Singh nhận định. “Những hành động của Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông có thể làm tổn hại tới trật tự trên biển”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kentaro Nishimoto của khoa Luật, Đại học Tohoku, Nhật Bản nhận định, trong khi chưa có một trật tự được định hình thì các tranh chấp đã dẫn tới một số hành vi đối đầu leo thang.
Do triển vọng giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên biển này khó có thể đạt được thành công trong tương lai gần, điều quan trọng là cần phải quản lý các tranh chấp để duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực nhằm hướng tới tìm kiếm các giải pháp lâu dài.
Bộ khung giải quyết tranh chấp trên biển
Bất chấp quan điểm hoài nghi, bày tỏ bi quan về triển vọng của luật pháp quốc tế sau vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng, các học giả tham gia hội thảo có chung quan điểm cho rằng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) vẫn là bộ khung pháp lý cho các quốc gia công cụ để quản lý các tranh chấp trên biển.
“Đầu tiên, UNCLOS cung cấp các quy định rõ ràng về quyền trên biển của các quốc gia ven biển và các quy định quản lý hoạt động ở các vùng biển khác nhau, theo đó các quy định này nên đóng vai trò là sự hiểu biết chung, làm căn cứ tương tác giữa các bên liên quan tới tranh chấp.
Thứ hai, UNCLOS bao gồm các quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong các khu vực không bị giới hạn nhằm hướng dẫn việc thực thi nghĩa vụ của các quốc gia liên quan tới một khu vực biển không bị giới hạn.
Thứ ba, UNCLOS có cơ chế giải quyết xung đột riêng, và có thể đóng vai trò trong việc giải quyết tranh chấp cuối cùng và trong việc quản lý tranh chấp trên biển”, ông Nishimoto nói.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng thừa nhận một số điều khoản của UNCLOS chỉ đưa ra các hướng dẫn chung chung và chính điều này đôi khi bị các quốc gia diễn giải theo các cách khác nhau nhằm mục đích có lợi cho mình.
Các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế vốn được các quốc gia có chủ quyền tạo ra. Do đó, việc tồn tại những hạn chế là điều khó có thể tránh khỏi.
“Chúng ta nên thừa nhận sự tồn tại của những hạn chế cố hữu trong các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế. Điều cần thiết là phải cân nhắc các phương thức thực tế để quản lý các tranh chấp trên biển… hướng tới duy trì hòa bình, an ninh và để bảo vệ, bảo tồn môi trường biển trong các khu vực biển có tranh chấp, hướng tới tìm kiếm cách thức giải quyết tranh chấp cuối cùng”, Giáo sư Mariko Kawano của khoa Luật, Đại học Waseda, Nhật Bản nói./.