Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông có thể cản trở nỗ lực của Mỹ và Nhật Bản trong việc thúc đẩy kinh tế và an ninh khu vực ở Châu Á thông qua Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Mỗi ngày, khoảng 350 tàu đi qua eo biển Malacca và 1/4 số tàu này thuộc sở hữu của các công ty Nhật Bản. Biển Đông là tuyến đường biển thương mại quan trọng trong chuỗi phân phối của các nhà sản xuất và cung cấp năng lượng cho Châu Á.
|
Các tàu nạo vét của Trung Quốc xuất hiện quanh Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ngày 21/5/2015. Ảnh Reuters.
|
Giữa tuyến đường biển thương mại quan trọng này là quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hình ảnh mà máy bay tuần tra của Mỹ ghi lại cho thấy, Trung Quốc đang xây dựng trái phép các hòn đảo nhân tạo, bến cảng và đường băng trên quần đảo này nhằm khẳng định chủ quyền vô lý trên Biển Đông.
Hành động của Bắc Kinh phá hoại sự ổn định của các tuyến đường biển – huyết mạch đối với nền kinh tế Nhật Bản. Trước sức ép của Trung Quốc, nỗ lực phát triển kinh tế ở Châu Á của Mỹ và Nhật Bản trở nên vô ích. Trước khi xây dựng một trật tự kinh tế mới với TPP, các quy định pháp luật cần được thực thi trong vùng biển tranh chấp.
Việt Nam và Malaysia có thể hợp tác cùng Singapore và Brunei – hai quốc gia có các chính sách thương mại tự do - để làm đối trọng với Trung Quốc trên Biển Đông. Philippines cũng đang nỗ lực tham gia các cuộc đàm phán TPP.
Washington coi khuôn khổ TPP là một chiến lược địa chính trị khi Tổng thống Mỹ Barack Obama lên nắm quyền năm 2009, với mục tiêu là cải thiện sự ổn định kinh tế và quân sự phù hợp với chính sách “xoay trục sang Châu Á” của Mỹ.
Các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông có thể không được giải quyết trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần này. Và bộ trưởng các nước thành viên TPP sẽ gặp nhau vào ngày 30/9 tại thành phố Atlanta (Mỹ), với hy vọng cuối cùng để đạt được một thỏa thuận chung trong năm nay.