Tranh chấp leo thang thành xung đột ở Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Lập trường khác biệt, đàm phán COC chậm chạp và cạnh tranh khai thác tài nguyên biển… đang khiến cho tranh chấp ở Biển Đông có nguy cơ biến thành xung đột.

 

Từ tháng 1 đến tháng 5/2013, diễn biến ở Biển Đông tiếp tục xu hướng tiêu cực. Mặc dù Liên Hợp Quốc đã bổ nhiệm một hội đồng trọng tài để xem xét đơn kiện của Philippines về yêu sách bành trướng của Trung Quốc và Trung Quốc-ASEAN bắt đầu đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), có rất ít lạc quan rằng một trong hai quá trình này sẽ làm giảm căng thẳng trong ngắn hạn hoặc mang lại một môi trường dẫn đến giải quyết vấn đề trong trung và dài hạn.

Trong một bài viết đăng trên Asia Times Online, chuyên gia Ian Storey phân tích những diễn biến gần đây và những tác động trực tiếp của chúng đối với cục diện Biển Đông.

Philippines kiện Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc

Ngày 22/1, Manila đã đơn phương đưa tranh chấp Trung Quốc-Philippines ở Biển Đông lên hội đồng trọng tài theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Đơn kiện của Philippines nói rằng “đường chín đoạn” (“đường lưỡi bò”) và tuyên bố quyền chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi “đường lưỡi bò” này là trái với UNCLOS và do đó không hợp lệ.

 Tàu Philippines rút đi, tàu công vụ Trung Quốc thì ở lại...Scarborough.

Từ lâu, ưu tiên Trung Quốc là giải quyết tranh chấp lãnh thổ và biên giới với các nước láng giềng thông qua đàm phán song phương chứ không thông qua trọng tài pháp lý quốc tế. Do đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc chính thức bác bỏ “đơn kiện” của Philippines vào ngày 19/2/2013. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố việc Philippines khởi kiện là “sai lầm”, “chứa đựng những cáo buộc sai trái” và vi phạm Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc năm 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Tuy nhiên, Philippines vẫn kiên quyết theo đuổi đến cùng vụ kiện này.

Việc Trung Quốc bác đơn kiện của Philippines đã khiến cho các chuyên gia pháp lý cảm thấy thất vọng. Giáo sư luật Jerome Cohen cho rằng bằng cách từ chối tham gia quá trình tố tụng, Trung Quốc đã tự bộc lộ là một “kẻ bắt nạt” và “vi phạm”luật pháp quốc tế. Trong khi đó, nhà phân tích Peter Dutton lưu ý rằng Bắc Kinh  đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng để trấn an các nước láng giềng “ngày càng lo lắng” rằng Trung Quốc “không giải quyết tranh chấp bằng vũ lực”.

Bất chấp việc Trung Quốc vắng mặt, vụ kiện này sẽ vẫn tiếp tục. Trong tháng 3/2013, Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Shunji Yanai, đã bổ nhiệm các vị thẩm phán còn lại của Tòa án trọng tài UNCLOS bao gồm 5 người, trong đó có một đại diện cho Trung Quốc. Sau khi được triệu tập, Tòa án trọng tài UNCLOS sẽ quyết định vụ kiện này có nằm trong thẩm quyền của tòa hay không.

Một quyết định về vấn đề này có thể đạt được vào đầu tháng Bảy. Nếu Tòa án trọng tài UNCLOS quyết định rằng tòa có thẩm quyền, vụ xét xử này có thể kéo dài vài năm trước khi tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng. Phán quyết của Tòa án trọng tài UNCLOS đều có tính ràng buộc, nhưng lại không có hiệu lực thực thi.

Tuy nhiên, nếu Tòa án trọng tài UNCLOS phán quyết rằng tuyên bố quyền chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là không phù hợp với UNCLOS, đây sẽ là một chiến thắng pháp lý và đạo đức của Philippines và sẽ gây sức ép buộc Trung Quốc làm rõ các căn cứ để tuyên bố chủ quyền của nước này. Có một điều chắc chắn là Bắc Kinh sẽ không chấp nhận phán quyết này vì trước đó, Trung Quốc đã quyết định không tham gia hầu kiện.

Đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông

Khi ASEAN và Trung Quốc ký kết DOC năm 2002, tất cả các bên cam kết sẽ làm việc hướng tới một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) điều chỉnh hành vi của các bên trong tương lai. Nhưng đến giữa năm 2012, Trung Quốc đã “phá bĩnh” với thông báo rằng hiện chưa phải là “thời điểm chín muồi” để bắt đầu đàm phán.
 
 Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22 ở Brunei.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2013, Brunei đã coi đàm phán về COC là ưu tiên hàng đầu. Singapore cũng thúc đẩy đàm phán về COC, còn Ngoại trưởng Indonesia, Marty Natalegawa, thì tích cực làm việc đằng sau hậu trường để tiến tới đàm phán. Nếu Trung Quốc không chịu “bật đèn xanh” cho các cuộc đàm phán, tiến trình này xem ra vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 22, Brunei sử dụng mọi kỹ năng ngoại giao để ASEAN đạt được sự đồng thuận về Biển Đông và ngăn chặn sự lặp lại của thất bại đáng xấu hổ hồi tháng 7/2012 ở Phnom Penh, khi Hội nghị thượng đỉnh ASEAN không ra nổi Tuyên bố chung. Mặc dù phần lớn ngôn từ trong Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN là soạn sẵn và không có yếu tố đột phá nào, tuyên bố này nói rõ rằng các nhà lãnh đạo ASEAN đã giao nhiệm vụ cho các vị bộ trưởng ngoại giao “tiếp tục làm việc tích cực với Trung Quốc để tiến tới sớm đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trên cơ sở đồng thuận”.

Ít ra đây cũng là một bước tiến triển. Nhiều khả năng, Trung Quốc có thể dịu giọng đôi chút để giảm bớt áp lực từ phía các nước ASEAN và cho phép nước này tập trung vào tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông mà Bắc Kinh coi là một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với quần đảo Trường Sa.

Thế nhưng, sẽ là ảo tưởng nếu hy vọng rằng COC sẽ được soạn thảo xong và sẵn sàng ký kết tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc vào tháng Mười tới.

Tranh chấp tài nguyên gây khủng hoảng

Cạnh tranh về các nguồn năng lượng và đánh bắt cá vẫn là những động lực thúc đẩy tranh chấp Biển Đông. Trong 5 tháng đầu năm 2013, các hoạt động của ngư dân trong vùng biển tranh chấp đã gây ra một số sự cố nghiêm trọng…làm gia tăng căng thẳng giữa các bên tranh chấp.

Ngày 20/3, một số tàu Trung Quốc bắn cảnh cáo vào 4 tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, khiến cho một chiếc bốc cháy. Việt Nam lên án vụ việc này là “sai trái và vô nhân đạo”, nhưng Bắc Kinh từ chối lời kêu gọi của  Hà Nội đòi bồi thường cho ngư dân.

Các cuộc đụng độ tiếp tục giữa tàu công vụ Trung Quốc và các tàu đánh cá nước ngoài trong vài tháng tới là  không thể loại trừ. Ngày 16/5, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá 3 tháng ở phía bắc của vĩ tuyến 12 - một lệnh cấm mà Việt Nam đã liên tục bác bỏ là vi phạm chủ quyền.

 Tàu cá Trung Quốc: Lực lượng xung kích trong tranh chấp biển đảo.

Sự việc sẽ còn tùy thuộc vào việc Trung Quốc thực thi lệnh cấm năm nay nghiêm ngặt đến mức nào. Một tuần trước đó, một hạm đội gồm 30 tàu cá và tàu hậu cần của Trung Quốc đã ra khơi từ đảo Hải Nam trên một sứ mệnh 40 ngày đến Trường Sa. Các tàu cá này cùng với các tàu công vụ Trung Quốc đã châm ngòi cho đợt “vây hãm” binh sĩ Philippines đồn trú ở Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).


Mặc dù ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận bắt đầu đàm phán về COC, diễn biến trong nửa đầu năm 2013 cho thấy quỹ đạo chung của tranh chấp Biển Đông là tiếp tục di chuyển theo chiều hướng đối đầu. Vì vậy, khi hành động của các nước hữu quan tiếp tục bị thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc, thái độ không chịu thỏa hiệp về tuyên bố chủ quyền và cạnh tranh ngày càng gay gắt trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên biển…ít có triển vọng xu hướng căng thẳng gia tăng sẽ bị đảo ngược trong thời gian tới.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lê Chân (theo Asia Times Online)

Bình luận(0)