Đối thoại Shangri-La, do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) London tổ chức, sẽ diễn ra trong ba ngày, quy tụ khoảng 20 bộ trưởng quốc phòng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ, Canada, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand và Singapore tham gia đối thoại ở cấp bộ trưởng quốc phòng. Trưởng đoàn Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Trung Quốc cử Phó Tổng tham mưu trưởng, Đô đốc Tôn Kiến Quốc tham gia Đối thoại Shangri-La 2016. Ngoại trừ năm 2011, Bắc Kinh cử Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt tham gia hội nghị, trưởng đoàn Trung Quốc tham gia Đối thoại Shangri-La đều là cấp Phó Tổng tham mưu trưởng. Một trong các lý do là Trung Quốc muốn giảm nhẹ tầm quan trọng của Đối thoại Shangri-La mà Bắc Kinh cho là luôn bị Mỹ chi phối.
|
Thủ tướng Thái Lan Prayut Cha-o-Cha đã đọc bài diễn văn chính trong buổi khai mạc Đối thoại Shangri-La 2016. Ảnh IISS |
Thủ tướng Thái Lan, tướng Prayut Cha-o-Cha đã đọc bài diễn văn chính trong buổi khai mạc Đối thoại Shangri-La tối 3/5. Phát biểu trước cử tọa tham dự hội nghị cấp cao về an ninh khu vực ở Singapore, ông Prayut nói: “Tôi có thể bảo đảm với quý vị rằng Thái Lan sẽ quay trở lại nền dân chủ”. Ông biện minh rằng việc quân đội tiếp quản một chính phủ dân sự suy yếu là cần thiết "để đưa đất nước đi theo con đường cải tổ" và ngăn chặn tổn thất thêm nữa cho nền kinh tế của vương quốc "vốn đã bị mất cân bằng”.
Mỹ-Trung tiếp tục đối đầu về Biển Đông?
Vào sáng ngày 3/5 trước khi Đối thoại Shangri-La khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng nhiệm Singapore Ng Eng Hen đã có chuyến bay thị sát Biển Đông trên máy bay do thám P8 của Hoa Kỳ.
Theo BBC, hành động này được cho là nhắm vào Trung Quốc, cũng giống như “phép thử” nhắm vào Washington mà Bắc Kinh đưa ra ngay trước thềm Đối thoại Shangri-La 2016, khi tung tin sắp thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Đối thoại Shangri-La diễn ra ngay trước khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague đưa ra phán quyết được trông đợi là sẽ bất lợi cho Bắc Kinh về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách chủ quyền tham lam vô độ của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ không tuân thủ phán quyết của tòa án PCA và coi quá trình này là bất hợp pháp.
Đài VOA dẫn lời Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cảnh báo rằng có thể có những hậu quả nếu Trung Quốc bác bỏ phán quyết của PCA của Liên Hợp Quốc. Ngày 2/5, Thượng nghị sĩ McCain phát biểu tại Đại học Công nghệ Nanyang:"Mỹ và thế giới đang trông cậy vào những quốc gia Đông Nam Á một lần nữa vận dụng sức mạnh và sự quyết tâm của mình để duy trì một hệ thống mà an ninh và sự thịnh vượng chung của chúng ta phụ thuộc vào nó”.
Đối thoại Shangri-La 2016 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền gần như toàn bộ tích và đang tăng tốc bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa trái phép các “đảo nhân tạo”. Hầu hết các nước thành viên ASEAN ngày càng lo lắng về những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và việc Bắc Kinh quân sự hóa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo dự báo của trung tâm nghiên cứu chiến lược IHS Jane, căng thẳng trên Biển Đông có thể khiến chi tiêu quốc phòng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tăng thêm gần 25% trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2020, lên đến 533 tỷ USD.
Ngoài vấn đề Biển Đông, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên cũng như mối đe dọa khủng bố Hồi giáo cũng là những chủ đề nổi cộm tại Đối thoại Shangri-La năm 2016.