|
Ngoại trưởng Australia Bob Carr đã tái khẳng định lập trường của Australia trong tranh chấp Biển Đông.
|
Phát biểu tại mội hội nghị về những thách thức an ninh ở Biển Đông và những cách thức giảm thiểu nguy cơ xung đột trong vùng biển tranh chấp Châu Á -Thái Bình Dương do Viện chính sách chiến lược Bob Carr Australia tổ chức mới đây, Ngoại trưởng Australia Bob Carr đã tái khẳng định lập trường của Australia trong tranh chấp Biển Đông, đó là khuyến khích ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý làm cơ sở cho việc xử lý và quản lý tranh chấp.
Theo Ngoại trưởng Bob Carr, Australia hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc đồng ý tham vấn chính thức về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và đánh giá đây chính là một phần của quá trình xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan trong tranh chấp Biển Đông.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Australia khẳng định, Canberra cũng khuyến khích và sẽ tiếp tục khuyến khích các nước ASEAN và Trung Quốc bắt đầu đàm phán chính thức về COC. Không chỉ giúp quản lý tranh chấp và ngăn ngừa xung đột, việc thảo luận về COC còn có thể giúp làm sáng tỏ thái độ của các nước đối với các biện pháp xây dựng lòng tin.
Nhân đây, ông Carr đã trích dẫn những quan điểm của hai học giả Rory Medcalf và Raoul Heinrichs trong báo cáo mang tên “Khủng hoảng và niềm tin: Các cường quốc và an ninh hàng hải tại Ấn Độ Dương- hái Bình Dương” được Viện nghiên cứu Lowy – cơ quan tham vấn của chính phủ Australia công bố hồi tháng 6/2011.
Theo đó, “một trở ngại lớn đối với các biện pháp xây dựng lòng tin (CBM) trên biển đó là sự khác biệt rõ rệt trong quan điểm của các nước về giá trị và mục đích của công cụ này. Trong đó, bất đồng sâu sắc nhất có lẽ là giữa quan điểm của Trung Quốc với các cường quốc khác. Đáng chú ý là Mỹ và một số nước Đông Nam Á có cùng chí hướng cho rằng các biện pháp xây dựng lòng tin có thể và nên được đặt lên trên sự tín nhiệm và thỏa thuận về các vấn đề chiến lược cơ bản, đặc biệt khi thiếu vắng sự tin tưởng. Quan điểm này ngược lại hoàn toàn với khuynh hướng đang thịnh hành trong chính sách của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn chiến lược ‘tin tưởng’ đi trước các tiến bộ trong chính sách ngoại giao hàng hải”.
Điều đáng lo ngại, theo Ngoại trưởng Australia, là kể từ khi bùng phát các tranh chấp, các nước trong khu vực dường như không xích lại gần nhau hơn để giải quyết vấn đề kiểu như “con gà có trước hay quả trứng có trước này”.
Thực tế, trước sự thúc giục sớm khởi động đàm phán và thống nhất COC của ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh luôn tìm cách né tránh. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn cho rằng, những nỗ lực bàn bạc về COC đã “thất bại do sự quấy nhiễu của một số bên” và kêu gọi “thay vì có những hành động phá rối, các bên nên có những nỗ lực có lợi cho quá trình xây dựng COC nhằm tạo ra các điều kiện và môi trường cần thiết (cho bộ qui tắc này)”.
Trong khi đó, Bắc Kinh đã nhiều lần “tiền hậu bất nhất” trong lời nói và hành động khi hiện diện trên Biển Đông, từ việc tuyên bố lấp lửng về COC cho tới việc khẳng định đang chấp hành đúng Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) nhưng thường xuyên tập trận răn đe trên khu vực, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, quảng bá, tuyên truyền cho cái gọi là “thành phố Tam Sa” – một đơn vị hành chính phi pháp do Trung Quốc đơn phương lập ra nhằm quản lý trái phép hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.