|
Tên lửa DF21 của Trung Quốc.
|
Sát thủ mẫu hạm
Trong năm 2010, quân đội Trung Quốc đã công bố thử nghiệm một chương trình tên lửa đạn đạo đầy tham vọng có tên DF-21A nhằm tiêu diệt các tàu sân bay. Trong năm 2013, có nhiều báo cáo cho thấy, các tên lửa này đã được triển khai với số lượng nhỏ ở miền Nam Trung Quốc. DF-21A được thiết kế như một “sát thủ mẫu hạm” với mục đích hạn chế sự can thiệp của các nhóm tàu sân bay của Mỹ trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột với Đài Loan hoặc tranh chấp lãnh hải ở biển Đông.
Quyết định của Trung Quốc khi sử dụng tên lửa đạn đạo diệt mẫu hạm (anti-ship ballistic missile - ASBM) để đối phó với tàu sân bay là một quyết định khá “bất thường” bởi với một mục tiêu di động thì tên lửa đạo đạo sẽ gặp khó khăn trong việc đánh trúng mục tiêu và đòi hỏi cao hơn nhiều so với một tên lửa hành trình. Tuy nhiên, quyết định của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sử dụng loại tên lửa này phản ánh sự tự tin của ngành công nghiệp quân sự trong nước.
Dù các nhà phân tích còn nhiều ý kiến khác nhau về loại tên lửa mới này và tác động của nó tới quân đội Mỹ thì không nên nhìn nhận tên lửa ASBM của Trung Quốc một cách tách biệt, riêng lẻ mà phải hiểu đây là một phần trong quá trình hiện đại hóa quân đội và là một bước trong học thuyết thay đổi về quân sự của quân đội Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, các viện giáo dục quân sự Trung Quốc như Học viện Khoa học Quân sự, Đại học Quốc phòng, và Viện Hải quân đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về các chiến dịch quân sự của phương Tây. Các cuộc xung đột giữa Israel - Arab, trong đó có cuộc chiến tranh lần thứ 2 ở Lebanon đã cung cấp cho Trung Quốc những ví dụ về việc sử dụng tên lửa trên biển gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các lực lượng hải quân tiên tiến.
Trong thực tế, vào năm 2006, trong cuộc xung đột với Israel, Hezbollah phóng một loạt tên lửa do Trung Quốc sản xuất. Kết quả là, một tàu hộ tống lớp Eliat Israel bị phá hủy, giết chết bốn thủy thủ. Tàu hộ tống này được coi là tàu tiên tiến nhất trong các loại tàu hộ tống hiện có trên thế giới.
Tên lửa phá hủy vệ tinh
Nhận thấy quân đội Mỹ phụ thuộc nhiều vào các vệ tinh thông tin liên lạc để tiến hành đa số các hoạt động điều phối quân sự, PLA trong nhiều năm qua đã đầu tư một khoản tiền đáng kể nhằm phát triển các loại vũ khí phá vệ tinh.
Đầu năm 2007, lần đầu tiên Trung Quốc phóng thành công tên lửa phá vệ tinh, phá hủy một vệ tinh cũ của Bắc Kinh ngoài không gian. Vào tháng 5/2013, Trung Quốc lại phóng thêm một tên lửa không mang đầu nổ có khả năng bay cao nhất từ năm 1970 đến nay, xa hơn 10.000 km vào không gian. Tất nhiên, nếu tên lửa này mang theo đầu nổ, nó sẽ là một vũ khí lợi hại phá hủy các vệ tinh trong không gian.
Ngoài lĩnh vực tên lửa, Trung Quốc cũng thử nghiệm một loạt các loại vũ khí laser mà quân đội Mỹ từng cáo buộc chính các vụ thử vũ khí laser này đã phá hỏng các vệ tinh của Mỹ. Xung laser có thể phá vỡ từ một phần đến hoàn toàn các vệ tinh thông tin tùy thuộc vào cường độ.
Chiến tranh không giới hạn
Chiến lược quân sự không đối xứng của quân đội Trung Quốc hiện nay được mở rộng tới nhiều lĩnh vực khác trên đất liền, trên biển, trên không và cả vũ trụ. Ví dụ đối với trên biển, lực lượng Hải quân Trung Quốc không tập trung vào việc dùng tàu sân bay đối đầu với tàu sân bay của Mỹ mà phát triển số lượng lớn tàu ngầm tấn công trang bị cả vũ khí loại thường lẫn vũ khí hạt nhân.
Số lượng tầu ngầm của Trung Quốc ước chiếm 45% số lượng tàu chiến hải quân và là tỉ lệ cao nhất đối với hải quân thế giới. Ngoài tàu ngầm, hải quân Trung Quốc còn sở hữu hàng ngàn tên lửa đối không, đối đất, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo khác.
Hải quân Trung Quốc cũng đã phát triển hàng loạt các tàu cao tốc hai thân tàng hình. Ở khu vực ven biển và nước nông, những tàu này có hiệu quả tốt nhằm chống lại các tàu sân bay cỡ lớn đặc biệt là sử dung chiến thuật “bầy đàn”.
Một lĩnh vực khác nổi lên đang được PLA đặc biệt quan tâm là chiến tranh mạng. Từ năm 2000 đến nay, quân đội Trung Quốc đã đưa ra khái niệm tổng thế chiến tranh mạng hay còn gọi là chiến tranh không giới hạn trong đó quân đội Trung Quốc sẽ sử dụng chiến thuật bất đối xứng trong mọi lĩnh vực.
Khái niệm này được phổ biến bởi hai đại tá quân đội Trung Quốc đưa ra trong một cuốn sách có tựa đề: “Chiến tranh không giới hạn” vào năm 1999. Những cuộc tấn công mạng và xâm nhập mạng máy tính mà mục tiêu là Mỹ và các quốc gia phát triển khác gần đây đã thể hiện rõ sức mạnh ngày một lớn mạnh của Trung Quốc trong mặt trận ảo này.
Mỹ sẽ đối phó ra sao?
Thực ra chiến lược chiến tranh phi đối xứng của Trung Quốc không phải là mới nhưng thời gian qua đã chứng kiến việc khái niệm này nhanh chóng đi từ lý thuyết đến thực tiễn. Hơn nữa, chiến lược này được dự báo sẽ tiếp tục chi phối mạnh mẽ các động thái quân sự của Trung Quốc trong thời gian dài sắp tới.
Trong khi đó, Mỹ không nhìn vào chiến tranh không đối xứng và các hình thức phi tiêu chuẩn khác. Phong cách của chiến tranh của Mỹ thường tập trung vào hỏa lực tấn công và có xu hướng bỏ qua các yếu tố phòng thủ.
Câu hỏi đặt ra là, liệu Mỹ sẽ có biện pháp đối phó với chiến lược này như thế nào và liệu các chiến lược gia về quân sự của Washington có hiểu được bản chất của chiến lược không đối xứng trên mọi mặt trận của Trung Quốc hay không?
Theo chuyên gia Scott Dzahspar, người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hải quân cho biết: “Sự kết hợp giữa tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình với tàu ngầm và tàu khu trục có thể là tử thần với một tàu sân bay. Một số lượng lớn các tên lửa với các biện pháp nhiễu sóng có thể làm vô hiệu quá hệ thống vô tuyến tiên tiến nhất của quân đội Mỹ như Aegis”.
Trong khi Mỹ sẽ duy trì ưu thế quân sự của mình trong tương lai gần, chiến lược quân sự không đối xứng của Trung Quốc sẽ là mối đe dọa tới lợi thế này của Mỹ. Điều này tạo ra thế kìm chế lẫn nhau của hai siêu cường bởi Trung Quốc và Mỹ ngày càng phụ thuộc lẫn nhau và chia sẻ nhiều lợi ích với nhau. Và chỉ có các mối quan hệ dựa trên lợi ích mới có thể làm giảm nguy cơ về xung đột.