Theo dự kiến, chuyến thăm nhờ cậy Trung Quốc của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kéo dài ba ngày, bắt đầu từ ngày 28/7.
|
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Erdogan trong cuộc gặp trước đây.
|
Tổng thống Erdogan đang lâm vào tình thế khó khăn vì trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ hiện không có chính phủ. Theo hiến pháp, tổng thống có vai trò yếu hơn thủ tướng, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ hiện chỉ có thủ tướng tạm thời. Điều này xảy ra vào thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một nhà nước hiếu chiến và các đối tác phương Tây đang xa lánh Ankara.
Trong bối cảnh cuộc chiến chống IS có thể kéo dài hàng chục năm, Tổng thống Erdogan hiểu rõ rằng nếu không có sự hỗ trợ rất mạnh của Nga, Trung Quốc và phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng.
Về vấn đề này, chuyên gia Nga Stanislav Tarasov nhận định: "Trong thời gian chuyến đi Bắc Kinh, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc đối với các hành động của Ankara trong cuộc chiến chống IS và những nỗ lực duy trì sự ổn định chính trị trong nước. Trung Quốc, cũng như Nga, đang chú ý theo dõi cuộc chiến chống IS. Tại sao vậy? Bởi vì hai quốc gia này cũng đối mặt với mối đe dọa tiềm năng từ chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Tất nhiên, các quốc gia này phải giải quyết một nhiệm vụ quan trọng: tự bảo vệ mình khỏi ảnh hưởng của IS chừng nào nhóm khủng bố này chưa đến tận biên giới".
Trong khi đó, Trung Quốc đã không chấp nhận đề nghị của Mỹ mời Bắc Kinh tham gia liên minh chống IS. Vì vậy, người ta chờ đợi kết quả chuyến đi của Tổng thống Erdogan để biết Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ chọn lựa những hình thức nào để bày tỏ tình đoàn kết với ông Erdogan liên quan đến bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một chi tiết thú vị khác là, gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc và những người Uighur địa phương đã đập phá các nhà hàng Trung Quốc.
Hợp đồng bán tên lửa Trung Quốc cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ được thảo luận tại cuộc hội đàm ở Bắc Kinh. Hai bên đã đạt được thỏa thuận về nội dung này. Nhưng, hợp đồng phải nhận sự chấp thuận của chính phủ, mà ở Thổ Nhĩ Kỳ lại chưa thành lập nội các. Ngoài ra, tình hình đã thay đổi đáng kể sau ngày 14/7 khi tại Vienna đã ký kết thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran. Điều này sẽ ảnh hưởng đến số phận của hợp đồng tên lửa Trung Quốc-Thổ Nhĩ Kỳ, một hợp đồng mà Mỹ cực lực phản đối.
Chuyên gia Stanislav Tarasov cho rằng hợp đồng này vẫn có hiệu lực. Ông Tarasov nói: "Theo tôi, không loại trừ khả năng, trong tình hình hiện nay bản hợp đồng chỉ là một văn kiện về nội dung kinh tế để sau đó hai bên thiết lập sự đối tác rộng hơn trong những lĩnh vực khác. Trước hết ở đây nói về sự hợp tác song phương để giúp Thổ Nhĩ Kỳ chống nguy cơ đang đe dọa nước này. Hai bên có thể ký kết một hợp đồng mang tính chất thương mại...vì Ankara vẫn hy vọng vào sự hỗ trợ của NATO trong cuộc chiến chống IS".
Mỹ và phương Tây sẽ theo dõi sát sao chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Erdogan vì Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò rất quan trọng trong khu vực. Chính vì vậy mà phương Tây không thể cho phép Thổ Nhĩ Kỳ bị lôi cuốn vào phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc.