Kể từ khi đạt được Thỏa thuận hạt nhân Iran, một số nhà hoạch định chính sách ở Washington đã ngộ nhận rằng Tehran là đối tác tốt nhất trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS). Lợi ích chung giữa Washington và Tehran cũng như sức mạnh quân sự của cường quốc khu vực Iran có thể khiến cho Tehran trở thành một đồng minh hiệu quả trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo IS, trong bối cảnh Mỹ vẫn tránh đưa bộ binh tham chiến ở Trung Đông.
|
Iran không đánh thuê cho Mỹ trong cuộc chiến chống IS. |
Thế nhưng, một số nhà hoạch định chính sách ở Washington đã quên đi một điều cơ bản là
Iran không đánh thuê cho Mỹ trong
cuộc chiến chống IS.
Nhận định Iran có thể trở thành đối tác hữu hiệu của Mỹ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo dựa trên ba ngộ nhận lớn.
Thứ nhất, chiến lược của Iran ở Syria và Iraq vốn tập trung vào việc kiềm chế hơn đánh bại hoàn toàn nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo. Ở Syria, Nhà nước Hồi giáo IS được Iran xem là một công cụ hiệu quả trong việc làm suy yếu cả Mỹ lẫn quân nổi dậy được các nước Vùng Vịnh (GCC) hậu thuẫn. Tại Iraq, Tehran “đang đi trên dây” khi vừa kiềm chế tránh để cho Nhà nước Hồi giáo đe dọa an ninh của Iran và chính phủ của người Shi’ite ở Iraq, vừa không muốn hậu thuẫn cộng đồng người Sunni chống IS vì lo ngại rằng họ có thể trở thành một hiểm họa đối tiềm tàng với chính phủ ở Baghdad do người Shi’ite đang chi phối. Tehran muốn duy trì một chính phủ ở Baghdad chịu ảnh hưởng của Iran. Iran đã tỏ ra kém hiệu quả trong việc theo đuổi chiến lược này. Điều đó đã được minh chứng qua cuộc chiến chống IS ở tỉnh Al Anbar và việc quân chính phủ Iraq cùng với dân quân Shi’ite đã rất chật vật tái chiếm thành phố Tikrit, quê hương của cố Tổng thống Saddam Hussein.
Thứ hai, đối tác tốt nhất của Mỹ để đánh bại Nhà nước Hồi giáo IS chính là các quốc gia Ả-rập do người Sunni lãnh đạo và các cộng đồng Hồi giáo Sunni. Sự trỗi dậy đột biến của Nhà nước Hồi giáo IS dựa vào chiến thuật quân sự hiệu quả và chiến lược “mị dân” nhắm vào các cộng đồng Hồi giáo Sunni bị chèn ép trên toàn thế giới: từ Afghanistan đến Paris. Nếu không có một chiến lược do chính người Hồi giáo Sunni đề ra, trên cả hai cấp độ chính phủ và xã hội dân sự, để chống lại hệ tư tưởng IS, Nhà nước Hồi giáo sẽ vẫn tiếp tục là một thế lực chính trị trong khu vực. Theo một quan chức Vùng Vịnh cấp cao, đánh bại IS không phải là trách nhiệm của Mỹ hay Iran, mà là trách nhiệm của cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới đang tẩy chay cái quái thai có tên gọi là "Nhà nước Hồi giáo".
Thứ ba, mục tiêu của Iran tại Iraq và Syria hoàn toàn trái ngược với mục tiêu của Mỹ. Washington và Tehran có thể chia sẻ một vài lợi ích chung trong việc làm suy yếu IS, nhưng Iran vẫn tìm cách để đẩy Mỹ ra khỏi khu vực và ngăn chặn ảnh hưởng của Ả-rập Xê-út cùng các nước Vùng Vịnh. Iran chắc chắn sẽ phản đối bất kỳ giải pháp chính trị nào tại Syria hay Iraq mang lại cho Mỹ và GCC một chỗ đứng vững chắc hơn ở hai nước này.
Chính vì vậy mà các nhà hoạch định chính sách ở Washington chớ có mơ tưởng Iran là một đối tác quan trọng trong việc điều chỉnh chiến lược chống IS của Mỹ vì Iran là một cường quốc khu vực đầy tham vọng, với những toan tính và lợi ích riêng.