"Nỗ lực của Nga-Iran chống lưng Assad và cố gắng trấn an dân chúng chỉ khiến cho hai nước này mắc kẹt trong vũng lầy (Syria)…”. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói như vậy, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Syria để hỗ trợ chế độ Assad. Thế nhưng, trên thực tế, Tổng thống Putin đã biến “canh bạc Syria” thành chiến thắng địa chính trị vang dội.
|
Tổng thống Putin đã biến “canh bạc Syria” thành chiến thắng địa chính trị vang dội. |
Trong một bài viết do hãng tin Reuters đăng tải, nhà phân tích Josh Cohen liệt kê những gì mà Nga đạt được qua chiến dịch không kích chỉ kéo dài 5 tháng và cho thấy
Tổng thống Putin đại thắng không chỉ ở Syria.
Thứ nhất - và quan trọng nhất – chiến dịch ném bom của Nga đã đảo ngược cục diện cuộc chiến Syria nghiêng về phía Tổng thống Bashar al-Assad. Khi quân đội Nga mới đến Syria, Tổng thống Assad đang trong cơn nguy kịch, với nhiều dự đoán rằng chế độ của ông sắp sửa sụp đổ. Năm tháng sau, ông Assad ở thế thượng phong, sau khi chiếm lại những vùng lãnh thổ quan trọng ở cả hai miền nam và bắc Syria. Thậm chí, Trung tướng Vincent R. Stewart, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quân sự Mỹ (DIA), cũng phải thừa nhận rằng “sự tăng viện của Nga đã làm thay đổi hoàn toàn mọi tính toán”.
Chiến dịch ném bom của Nga không chỉ giúp Tổng thống Assad chiếm lại lãnh thổ bị mất, mà còn triệt hạ cái gọi là phiến quân Sunni “ôn hòa” (Quân đội Syria Tự do-FSA) được Mỹ hỗ trợ, đặc biệt là ở phía bắc dọc theo biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng Assad gần như cắt đứt tuyến đường cung cấp từ Thổ Nhĩ Kỳ cho các đồng minh người Sunni của Mỹ và lực lượng này đang ở thế “trên đe, dưới búa” giữa lực lượng Assad và Nhà nước Hồi giáo. Kết quả, Nga gần như đạt được mục tiêu quan trọng là đẩy phương Tây vào tình thế “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”, buộc phải lựa chọn giữa chế độ Assad mà họ gọi là “độc tài” và cái gọi là Nhà nước Hồi giáo “khủng khiếp”. Do Mỹ không thể hỗ trợ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, Moscow rõ ràng hy vọng Washington có thể chấp nhận một vai trò nào đó của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria.
Thứ hai, Tổng thống Putin đã đạt được mục tiêu ngoại giao quan trọng bằng cách buộc Mỹ phải thừa nhận rằng Nga đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định tương lai của Syria. Vào lúc bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự của Nga ở Syria, lập trường của Washington chỉ gói gọn trong việc phối hợp với Moscow để tránh đụng độ không mong muốn giữa các lực lượng Mỹ-Nga.
Tuy nhiên, thỏa thuận Việc ngừng bắn gần đây nhất, bắt đầu từ ngày 27/ 2, đã được đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Nga ở Geneva. Cả hai bên đều đồng ý bảo lãnh cho thỏa thuận ngừng bắn và Tổng thống Obama đã nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Putin. Gần đây, Moscow đã buộc Washington phải từ bỏ lập trường cố hữu "Assad phải ra đi", với việc Ngoại trưởng John Kerry nói rằng Mỹ và các đối tác “không tìm kiếm cái gọi là thay đổi chế độ".
Thứ ba, Tổng thống Putin đã báo thù việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay phản lực của Nga bằng cách hạ nhục Ankara, một đối thủ mới nổi ở Trung Đông và Trung Á. Nga đã triển khai tên lửa đất đối không S-400 tiên tiến gần Thổ Nhĩ Kỳ. Với bán kính tác chiến 250 dặm (400 km), quân đội Nga hiện đang thống trị bầu trời khu vực và trên thực tế đã cấm cửa máy bay Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào không phận Syria.
Ông Putin cũng giáng đòn chí tử vào đồng minh chủ chốt và người anh em họ tộc gần của Thổ Nhĩ Kỳ là người Turkmen ở Syria. Phiến quân Turkmen đã hạ sát viên phi công Nga nhảy dù khỏi chiếc máy bay ném bom Su-24 bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ và việc ném bom triệt hạ lực lượng Turkmen cho phép ông Putin trả thù cho viên phi công này. Qua đó, ông vừa làm “hả lòng, hả dạ” công chúng Nga, vừa vô hiệu hóa một trong những kẻ thù nguy hiểm của chế độ Assad.
Tổng thống Putin cũng đánh vào yếu huyệt của Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách chơi "con bài người Kurd". Biết rõ Thổ Nhĩ Kỳ vốn lo ngại người Kurd ở Syria (Các đơn vị bảo vệ của nhân dân YPG) tiến tới việc thành lập một nhà nước tự trị ở miền bắc Syria (chạy dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria), Nga đã yểm trợ trên không cho YPG tìm cách kiểm soát hoàn toàn khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Thậm chí, có tin nói Moscow đã triển khai 200 binh sĩ đến một thị trấn do người Kurd kiểm soát ngay trên biên giới sát Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuối cùng, chiến dịch Syria của Tổng thống Putin đã góp phần làm suy yếu Liên minh Châu Âu. Tư lệnh NATO ở Châu Âu Philip Breedlove đã nói rằng Nga đã hỗ trợ quân Assad gây ra một dòng người tị nạn khổng lồ đổ vào Châu Âu và chỉ riêng thành phố Aleppo đã “đóng góp” đến 100.000 người tị nạn. Trong khi đó, chính sách mở cửa cho người tị nạn của Đức đã “gây thù chuốc oán” không chỉ ở trong nước mà còn trên toàn Liên minh Châu Âu và đe dọa nghiêm trọng Thỏa thuận tự do đi lại Schengen, một trong những thành tố cốt lõi của EU. Một số nhà phân tích cho rằng sự sụp đổ của Khối Schengen có thể là sự khởi đầu cho sự kết thúc của bản thân EU.
Nga can thiệp quân sự vào Syria với mục tiêu bảo tồn chế độ Assad với chi phí thấp nhất trong chừng mực có thể. Để tránh rơi vào vũng lầy như ở Afghanistan, Nga đã dựa vào các chiến binh người Shiite - bao gồm quân đội Assad, Hezbollah và Iran. Bằng cách chọn lựa một mục tiêu rõ ràng và có thể đạt được, Tổng thống Putin đã thực thi một ”chiến lược ủy thác” có thể đưa vào sách giáo khoa lịch sử quân sự thế giới.
Nhà phân tích Josh Cohen kết luận: Rốt cuộc, Moscow dễ dàng thoát khỏi “vũng lầy Syria” và chiến dịch quân sự kéo dài 5 tháng của Nga quả là một chiến thắng địa chính trị vang dội của Tổng thống Vladimir Putin.
Video Tổng thống Nga Vladimir tuyên bố rút quân khỏi Syria (Nguồn Reuters):