Tổng thống Philippines: Chống ma túy, quên hiểm họa khủng bố

Google News

(Kiến Thức) - Vốn quá tập trung vào chiến dịch chống ma túy, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lãng quên hiểm họa Hồi giáo cực đoan đang hoành hành ở miền nam nước này.

Giáo sư Zachary Abuza, một chuyên gia người Mỹ về các vấn đề an ninh ở Đông Nam Á, nói: "Chính phủ Philippines đã làm ngơ trước sự phát triển của ISIS và các nhóm liên kết”.
Tong thong Philippines: Chong ma tuy, quen hiem hoa khung bo
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte: Mải chống ma túy, quên hiểm họa khủng bố. Ảnh: Reuters 
Quân đội Philippines thiếu kinh nghiệm chiến đấu đô thị
Cho đến nay, các lực lượng chính phủ Philippines đã không thể đánh bật các tay súng Hồi giáo cực đoan khỏi thành phố Marawi, mặc dù đã huy động quân đội chính qui và ném bom dữ dội thành phố 200.000 dân này.
Theo Quân đội Philippine, hơn 200 người đã thiệt mạng ở thành phố Marawi, trong đó có 24 thường dân, 58 quân chính phủ, cảnh sát và ít nhất 138 tay súng Hồi giáo cực đoan. Hàng chục ngàn thường dân đã phải rời bỏ nhà cửa chạy loạn và phần lớn trung tâm thành phố bị biến thành đống đổ nát.
Quân đội Philippines nói đã kiểm soát 90% thành phố Marawi, nhưng phiến quân Hồi giáo vẫn còn bám trụ ở ba khu phố ở trung tâm thành phố. Các nhà phân tích nói rằng Quân đội Philippines thiếu kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường đô thị, nơi mà phiến quân Hồi giáo đang hòa nhập vào hàng trăm thường dân.
Tổng thống Duterte đã hai lần ấn định thời hạn chót cho Quân đội Philippines về việc giành lại Marawi, thành phố có đông người Hồi giáo sinh sống nhất ở Philippines. Thế nhưng, các thời hạn chót này đã trôi qua và cuộc chiến đẫm máu ở thành phố Marawi vẫn tiếp diễn.
Việc phiến quân Hồi giáo chiếm thành phố Marawi, một nỗ lực táo bạo để thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo ở Đông Nam Á, đánh dấu một bước tiến đáng kể của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông cũng như làm nổi bật nguy cơ chiến tranh ở miền nam Philippines.
Lần đầu tiên, Philippines lọt vào nhóm “các quốc gia thất bại” như Libya, Afghanistan và tạo ra một điểm nóng mới trong khu vực Đông Nam Á để nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo truyền bá ảnh hưởng trên toàn cầu.
Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã kêu gọi các tay súng không thể đến Syria tham gia thánh chiến hãy đến Philippines. Các phần tử khủng bố đến từ Indonesia, Malaysia, Chechnya, Yemen và Saudi Arabia cũng nằm trong số những tay súng Hồi giáo cực đoan bị tiêu diệt ở trong cuộc chiến Marawi.
Mindanao: Cái nôi của các nhóm nổi dậy vũ trang
Từ lâu, Mindanao đã là cái nôi của các nhóm nổi dậy vũ trang nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Philippines.
Cuộc bao vây thành phố Marawi cũng báo hiệu sự nổi lên của Isnilon Hapilon, một thủ lĩnh kỳ cựu của nhóm khủng bố Abu Sayyaf vốn đã tuyên thệ trung thành với cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo”.
Năm ngoái, Isnilon Hapilon (51 tuổi) đã được nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo phong làm Tiểu vương cai trị khu vực Đông Nam Á. Trước đó, Hapilon nằm trong danh sách những kẻ khủng bố bị Cục điều tra liên bang (FBI) truy nã gắt gao nhất. FBI đã treo phần thưởng 5 triệu USD cho việc bắt giữ hoặc tiêu diệt tên này.
Nhiều phe phái Hồi giáo cực đoan khác nhau trên đảo Mindanao đã tụ tập dưới ngọn cờ của Tiểu vương Hapilon, đặc biệt là Nhóm Maute do Omar và Abdullah Maute lãnh đạo.
Hồi tháng 5/2017, Quân đội Philippines đã nhận được mật báo về việc Isnilon Hapilon đến thành phố Marawi để gặp gỡ anh em nhà Maute. Khi các binh sĩ Philippines đột nhập vào khu nhà được mật báo là Hapilon đang ở, với hy vọng bắt được trùm khủng bố này và nhận được khoản tiền thưởng 5 triệu USD, họ đã hoàn toàn bất ngờ trước sự chống trả quyết liệt của hàng chục tay súng rất thiện chiến.
Người Hồi giáo chỉ chiếm khoảng 5% dân số Philippines, nhưng 20-40 phần trăm trong số này lại sinh sống ở đảo Mindanao.
Tình trạng đói nghèo, bị phân biệt đối xử của người Hồi giáo và các khu vực rộng lớn ngoài vòng pháp luật đã tạo điều kiện cho nhóm khủng bố IS cắm rễ và phát triển ở miền nam Philippines.
Giáo sư Abuza nhận định: "Không phải sự lan truyền của ISIS ở Iraq và Syria mà chính sự sụp đổ của tiến trình hòa bình đã làm sinh sôi này nở các tế bào ISIS ở miền nam Philippines”.
Mối đe dọa ngày càng gia tăng ở miền nam Philippines sẽ buộc Tổng thống Duterte cải thiện quan hệ với Mỹ, một quá trình đã được bắt đầu với việc tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống.
Lãnh đạo Các lực lượng vũ trang Philipines cũng đã yêu cầu Tổng thống Duterte không nên giảm hợp tác quân sự với Mỹ - bao gồm chương trình huấn luyện, cung cấp thiết bị và thông tin tình báo… để chống khủng bố.
Từ năm 2001, Mỹ đã duy trì một lực lượng luân phiên từ 50 đến 100 binh sĩ đặc nhiệm ở miền nam Philippines để chống lại nhóm khủng bố Abu Sayyaf.
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang trợ giúp quân đội Philippines giải phóng thành phố Marawi. Đại sứ quán Mỹ ở Manila cho biết tin trên, nhưng không đưa ra thêm chi tiết.
Nếu cuộc chiến ở Marawi kết thúc vào ngày hôm nay (12/6) như Quân đội Philippines hy vọng, cuộc nổi dậy ở miền nam nước này vẫn còn tiếp diễn.
Ngay cả khi bị thất tại, chiến dịch đánh chiếm thành phố Marawi của phiến quân Hồi giáo cực đoan vẫn thu hút được các phần tử hâm mộ trong khu vực - bao gồm các thành viên của các nhóm nổi dậy Hồi giáo khác vốn bất mãn và không hài lòng với tiến trình hòa bình bị đổ vỡ ở miền nam Philippines.
Giáo sư Abuza kết luận: Nếu Tổng thống Duterte không giải quyết được nguyên nhân cốt lõi thì vấn đề nổi dậy ở miền nam Philippines sẽ vẫn còn tồn tại trong một thời gian rất dài. Những khu vực “vô chính phủ” trên đảo Mindanao là "mối đe dọa an ninh đối với cả khu vực, chứ không chỉ là mối đe dọa an ninh đối với riêng Philippines".
Minh Châu (Theo The New York Times)

>> xem thêm

Bình luận(0)