Với chủ trương đối thoại nhưng không hy sinh chủ quyền, tân Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ nói với Bắc Kinh những gì mà Đài Bắc không bao giờ chấp nhận. Lần đầu tiên trong lịch sử Đài Loan, lãnh đạo ngành hành pháp nắm luôn đa số trong ngành lập pháp. Tổng thống Thái Anh Văn hội đủ điều kiện thuận lợi để đối đầu với Bắc Kinh. Nhưng giữa lập trường chính trị và thực tế địa chính trị (Trung Quốc nhập 40% hàng xuất khẩu của Đài Loan), bà Thái Anh Văn phải thật cẩn trọng vì Bắc Kinh chắc chắn sẽ mặc cả với giá cao.
|
Với chủ trương đối thoại nhưng không hy sinh chủ quyền, tân Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ nói với Bắc Kinh những gì mà Đài Bắc không bao giờ chấp nhận. Ảnh Straits Times |
Một trong những tín hiệu “tích cực” là chính phủ Thái Anh Văn, tránh những lời lẽ làm chói tai lãnh đạo Trung Quốc đại lục vốn luôn nhấn mạnh đến Các nguyên tắc đồng thuận 1992, khẳng định chỉ có một nước Trung Hoa.
Tuy nhiên, khi tân Tổng thống Thái Anh Văn nhấn mạnh đến “nguyên trạng” trong quan hệ Trung Quốc-Đài Loan và chủ quyền không khoan nhượng, xem ra Đài Bắc đang vất bỏ nguyên tắc “đồng thuận 1992” vốn thừa nhận chỉ có một nước Trung Hoa?
Trả lời phỏng vấn của Les Echos, nhà phân tích tình hình chính trị Trung Quốc Stéphane Corcuff giải thích: bà Thái Anh Văn không thể không để ý đến thế mạnh của Trung Quốc và mưu đồ “thu hồi” đảo Đài Loan. Tuy nhiên, “đồng thuận 1992” chẳng qua là những cam kết giữa hai đảng, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc Dân đảng Đài Loan. Đàm phán chỉ diễn ra giữa hai đảng, tìm cách hâm nóng quan hệ giữa hai bên và không có ghi lại bằng văn kiện. Đến khi Quốc Dân đảng mất chính quyền lần thứ nhất, thì vào năm 2000 họ mới đặt tên thỏa hiệp với Trung Hoa đại lục là “đồng thuận 1992”.
Tình hình hiện nay hoàn toàn khác. Khi nói “đồng thuận” chỉ có một nước Trung Hoa cũng là một cách cùng chấp nhận một thực tế: Chỉ có một nước Trung Hoa, nhưng Trung Hoa nào? Theo chuyên gia Stéphane Corcuff, Bắc kinh đang đứng trước một thực tế là Đài Loan không bao giờ chịu sáp nhập vào Trung Quốc đại lục.