Tổng thống Duterte đẩy ASEAN vào tình thế khó xử

Google News

(Kiến Thức) - Tổng thống Duterte đang khiến cho ASEAN lâm vào tình thế khó xử và làm nản lòng Mỹ trong việc thực thi chính sách tái cân bằng ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Đó là nhận định của nhà phân tích Malcolm Cook , thành viên cao cấp Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, trong bài viết đăng trên mạng TODAYonline ngày 24/10/2016.
Thời khắc quyết định đối với nhiệm kỳ tổng thống?
Rodrigo Duterte từng tuyên bố rằng chuyến thăm bốn ngày tới Trung Quốc sẽ là thời khắc quyết định đối với nhiệm kỳ tổng thống Philippines của ông.
Tong thong Dutertes day ASEAN vao tinh the kho xu
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh Inquirer News 
Chắc chắn, những tuyên bố của ông Duterte ở Bắc Kinh đã làm nên lịch sử đối với một Tổng thống Philippines đương nhiệm. Phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp song phương, Tổng thống Duterte tuyên bố chia tay với Mỹ về quân sự và kinh tế. Ông Duterte cho rằng Washington đã mất Manila và về ý thức hệ, Philippines sẽ cùng với Trung -Nga đối đầu với cả thế giới.
Điều này hoàn toàn trái ngược với chính sách của Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino III. Dưới thời Tổng thống Aquino III, Philippines đã tích cực ủng hộ chính sách tái cân bằng ở Châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Barack Obama và đã theo đuổi lập trường rất cứng rắn chống lại các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Philippines có thực sự chia tay với Mỹ?
Chuyến đi đầu tiên của ông Duterte sang Trung Quốc đã khiến cho người ta nhớ lại trật tự Đông Á thời tiền thuộc địa, với việc các nước chư hầu ngoại vi nhỏ yếu cử phái đoàn sang Bắc Kinh để tìm kiếm lòng nhân của thiên triều.
Tổng thống Duterte thừa nhận rằng việc chia tay với Mỹ sẽ đòi hỏi một mối quan hệ phụ thuộc mới với Trung Quốc, khi ông tuyên bố gốc Hoa của mình và nói thêm 25 triệu người Philippines cũng chia sẻ với ông.
Những tuyên bố công khai của ông Duterte ở Trung Quốc và việc ông một lần nữa gay gắt chỉ trích Mỹ khi trở về thành phố Davao vào sáng 22/10 đã phản ánh quan điểm chủ nghĩa dân tộc cánh tả của ông về lịch sử Philippines.
Ông Duterte là Tổng thống Philippines đầu tiên tự hào tuyên bố nguồn gốc chính trị cánh tả của mình và về việc đã học tập nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Philippines "Joma" Sison. Việc chính quyền Obama chỉ trích “cuộc thập tự chinh chống ma túy” của Tổng thống Duterte và quyết định cách đây thập kỷ không cấp thị thực cho ông nhập cảnh vào Mỹ dường đã củng cố quan điểm tiêu cực của ông đối với Mỹ và quan hệ Mỹ-Philippines.
Sau khi trở về từ Trung Quốc, Rodrigo Duterte nhắc lại rằng ông sẽ không đi thăm Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống Philippines của ông.
Quan hệ kinh tế và an ninh chặt chẽ hơn với các cường quốc ở Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, chính là phương tiện ngoại giao thúc đẩy tâm lý bài Mỹ của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Sau những tuyên bố của ông Duterte ở Trung Quốc, đội ngũ quan chức kinh tế của ông đã nhanh chóng cải chính rằng đương kim Tổng thống Philippines không thực sự hàm ý cắt đứt quan hệ kinh tế với Mỹ.
Theo các quan chức này, Philippines vừa muốn “duy trì quan hệ với phương Tây”, vừa muốn “hội nhập mạnh mẽ hơn với các nước láng giềng” và chia sẻ văn hóa phương Đông là có lợi cho sự hiểu biết tốt hơn với các đối tác khu vực.
Khi trở về Philippines, Tổng thống Duterte giải thích: "Những gì mà tôi đã nói là chia tay với chính sách đối ngoại luôn làm theo những gì mà người Mỹ chỉ bảo”. Theo ông, điều này có thể không có bất kỳ sự thay đổi nào đối với Hiệp định Hợp tác Quốc phòng tăng cường đã ký kết giữa Mỹ và Philippines trong năm 2014.
Về mối quan hệ gần gũi hơn với Nga và Trung Quốc, ông Duterte ngụ ý mối quan hệ này có thể dưới dạng một liên minh quân sự hoặc một khối kinh tế.
ASEAN bị đẩy vào tình thế khó xử
Chuyến thăm Trung Quốc đã làm rõ quan điểm riêng của Tổng thống Duterte về lịch sử Philippines. Nếu ông Duterte đưa quan điểm riêng này vào chính sách thực tế, thì Philippines có chuyển biến từ một đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Đông Nam Á sang đối tác gần gũi nhất của Trung Quốc trong khu vực.
Đó sẽ là một thời điểm quyết định đối với Philippines và khu vực, vì nó sẽ tiếp tục làm suy yếu mọi lập trường của ASEAN chống lại các hành động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông và gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Điều này sẽ gây sức ép lên các nước ASEAN khác và làm nản lòng Mỹ trong việc thực thi chính sách tái cân bằng ở Châu Á-Thái Bình Dương, dẫn đến việc Washinton sẽ tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với các đối tác đáng tin cậy hơn như Singapore.
Điều đáng nói là quan hệ của Philippines với các cường quốc Đông Á là rất quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á. Philippines sẽ đảm nhận chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm tới và sẽ tiếp quản từ Singapore cương vị Điều phối viên các mối quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Trung Quốc vào năm 2018. 
Minh Châu (Theo TODAYonline)

>> xem thêm

Bình luận(0)