Tình hình Syria phụ thuộc vào lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ

Google News

(Kiến Thức) - Theo nhà báo Husnu Mahalli – một chuyên gia về các vấn đề Trung Đông, diễn biến tình hình Syria phụ thuộc vào lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau một số cuộc tiếp xúc với chính quyền mới của Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã lên đường công du tới các nước vùng Vịnh - bao gồm Bahrain, Ả-rập Xê-út và Qatar.
Tinh hinh Syria phu thuoc vao lap truong cua Tho Nhi Ky
Tổng thống Erdogan có thể xích lại gần các nước vùng Vịnh trong quá trình giải quyết vấn đề Syria. Ảnh The New York Times 
Trả lời phỏng vấn của Sputnik về diễn biến tình hình Syria khi Thổ Nhĩ Kỳ lập kế hoạch tham gia chiến dịch giải phóng Raqqa, chuyên gia Mahalli nói, các hành động của Ankara và những tuyên bố gần đây của Tổng thống Erdogan trong thời gian chuyến thăm Ả-rập Xê-út cho thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể xích lại gần các nước vùng Vịnh trong quá trình giải quyết vấn đề Syria và rời bỏ sự phối hợp chặt chẽ với Nga. Điều đó có thể ảnh hưởng tới cán cân quyền lực ở Syria.
Theo ông Mahalli, trong khi triển vọng giải quyết các vấn đề chính trị ở Syria vẫn còn mơ hồ, cán cân quyền lực chủ yếu phụ thuộc vào chiến thuật của Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai gần.
Nhà báo Husnu Mahalli giải thích: "Trong khuôn khổ cơ chế hợp tác ba bên, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đã thực hiện một bước quan trọng trên con đường giải quyết vấn đề Syria. Bằng chứng hùng hồn nhất là quá trình đàm phán tại Astana. Nhưng, có chú ý tới nội dung cuộc trò chuyện gần đây giữa ông Erdogan và ông Trump, mà ngay sau đó Giám đốc CIA Pompeo đã đến Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó đến Ả-rập Xê-út, cũng như những tuyên bố của Tổng thống Erdogan trong chuyến công du các quốc gia vùng Vịnh, có thể thấy những tín hiệu không đáng mừng cho triển vọng giải quyết tình hình ở Syria. Vì có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tái lập quan hệ với các nước vùng Vịnh do Mỹ ủng hộ và dần dần xa rời sự hợp tác chặt chẽ với Nga trong vấn đề Syria".
Ông Mahalli nhắc nhở rằng, các nước vùng Vịnh hỗ trợ các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria. Theo ý kiến của nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ, những tuyên bố của Trump trong chiến dịch tranh cử về cuộc đấu tranh chống Hồi giáo cực đoan mâu thuẫn với lập trường hiện nay của chính quyền Mỹ. Theo ông Mahalli, trong điều kiện này, Ankara khó có thể hiểu đúng tình hình trên chính trường quốc tế.
Nhà báo Mahalli nói tiếp: "Năm năm sau những sự kiện đẫm máu của ‘Mùa xuân Arập", Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên phạm phải những sai lầm nghiêm trọng trong chính sách ngoại giao. Ankara đã lập những kế hoạch đầy tham vọng, đã phát triển những dự án quy mô lớn, ví dụ về một Caliphate mới, một vương quốc hồi giáo... Nhưng các dự án đó hóa ra là không khả thi. Bây giờ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng củng cố vị thế của mình bằng những bước đi chiến thuật trong bối cảnh mới của khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, những hành động của Ankara không thể được gọi là một chiến lược được cân nhắc kỹ lưỡng. Điều này tạo ra một tình huống nguy hiểm. Trong khi Donald Trump hứa sẽ chống Hồi giáo cực đoan, Giám đốc CIA đến thăm Ả-rập Xê-út và tặng Thái tử huy chương vì công lao trong cuộc đấu tranh chống khủng bố. Và đây là sau khi đã tiết lộ mối liên hệ của Saudi Arabia với các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan trên khắp thế giới, từ tổ chức ‘Anh em Hồi giáo’, Mặt trận Al-Nusra, al-Qaeda đến Taliban và Daesh (nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo). Tuy nhiên, thông tin này chưa được sử dụng một cách hiệu quả!"
Minh Châu (Theo Sputnik)

>> xem thêm

Bình luận(0)