Thủ tướng Nhật lại chọc tức Trung Quốc?

Google News

(Kiến Thức) - Thủ tướng Shinzo Abe tuần này nhấn mạnh quyết tâm không khuất phục trước Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ, làm dậy sóng dư luận, đặc biệt là ở Bắc Kinh.


Thủ tướng Shinzo Abe.

“Ngày nay chúng ta phải đối mặt với sự khiêu khích đang tiếp diễn trong không phận, lãnh hải và lãnh thổ của chúng ta”, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh trước lực lượng bảo vệ bờ biển trên đảo Ishigaki, nằm cách quần đảo tranh chấp với Trung Quốc Senkaku/Điếu Ngư 93 km.

Giới phân tích nhận xét, dù Thủ tướng Abe nhấn mạnh tuyên bố trên trước các cử tri đảo Ishigaki ngay trước thềm bầu cử thượng viện vào cuối tuần này nhưng thính giả thật sự lại là Trung Quốc.

"Thông điệp của Abe gửi tới Trung Quốc rất rõ ràng. Đó là quyết tâm không khuất phục trước Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ của Nhật Bản", Christopher Hughes, Giáo sư chính trị quốc tế và nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học Warwick ở Anh bình luận.

Thủ tướng Abe cáo buộc Trung Quốc liên tiếp đưa tàu chính phủ xâm phạm các vùng biển gần xung quanh quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku đặt ra " thách thức ở mức cao nhất” đối với an ninh lãnh thổ của Nhật Bản.

Đồng thời, ông Abe nhấn mạnh với các cử tri Ishigaki rằng, ông sẽ "không thỏa hiệp, thậm chí không lùi một phân" đối với các vấn đề lãnh thổ.

Những tuyên bố của Thủ tướng Abe tiết lộ, các mối đe dọa từ hải quân Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong tư duy chính sách đối ngoại của ông trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách chiếm thế thượng phong bằng cách gửi tàu khảo sát tới các vùng biển tranh chấp không ít hơn 52 lần trong 10 tháng qua.

“Nhật Bản kiên quyết không quân sự hóa tranh chấp và đang sử dụng Bảo vệ bờ biển là lực lượng chính ở vị trí tuyến đầu để đẩy lùi sự hiện diện của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp. Chuyến thăm của ông Abe đến Ishigaki là một minh chứng về cách giải quyết của Nhật Bản về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
 
Chuyến thăm được lên kế hoạch để gửi thông điệp bằng âm thanh mạnh mẽ và rõ ràng đến Trung Quốc rằng, Nhật Bản đang đứng lên để bảo vệ vùng lãnh thổ mà họ tuyên bố chủ quyền ngay cả khi họ chỉ có thể sử dụng lực lượng dân sự”, Giáo sư Hughes nhận xét.
 
Theo đó, những ngày gần đây, Thủ tướng Abe tạm gác lại chính sách kinh tế Abenomics để tập trung nhắc nhở Bắc Kinh rằng, họ có thể sẽ sớm chứng kiến một Nhật Bản ít nhân nhượng, ôn hòa hơn so với trước đây.

Tháng trước, Nhật cũng đã nhấn mạnh sự gia tăng các hoạt động hàng hải “nguy hiểm” của Trung Quốc là “mối đe dọa” cho an ninh và sự ổn định của nước này trong sách trắng quốc phòng hàng năm.

Căng thẳng tranh chấp lãnh thổ giữa 2 đối thủ Đông Á leo thang lên đến đỉnh điểm sau khi cựu Thủ tướng Nhật Bản, Yoshihiko Noda quyết định quốc hữu hóa 3 trong số các đảo thuộc chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Trung Quốc tháng 9 năm ngoái. Động thái này làm dấy lên các cuộc biểu tình bạo lực chống Nhật Bản ở khắp Trung Quốc.

Dù xung đột vũ trang Trung-Nhật nhằm bảo vệ quyền lợi tại các khu vực đánh bắt cá và có nguồn dự trữ khí đốt khổng lồ của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gần như khó lòng hình dung được, giới phân tích mạnh mẽ cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng khó lường của một sự cố hoặc sai lầm quân sự không đáng có.


Các vụ đụng độ giữa tàu tuần tra Nhật Bản và tàu chính phủ Trung Quốc trên biển Hoa Đông làm dấy lên lo ngại về các sự cố nhỏ có thể thổi bùng lên một cuộc xung đột lớn.

Điều gì đang tới?


Những tháng tới có thể trở thành thời gian quan trọng để xác định tương lai trước mắt của quan hệ Trung-Nhật, 2 nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, với những tương tác thương mại rất quan trọng.

Tuần này báo Yomiuri Shimbun đưa tin, Nhật Bản có thể quốc hữu hóa hàng trăm hòn đảo xa vô chủ trong một nỗ lực củng cố các yêu sách lãnh thổ của họ. Theo Yomiuri, nếu quyền sở hữu của bất kỳ hòn đảo nào không rõ ràng và không được xác nhận, chính phủ sẽ đặt một cái tên chính thức cho nó và tiến hành quốc hữu hóa.

Khu vực cũng đang thấp thỏm đợi xem liệu Thủ tướng  Abe, một chính trị gia dân tộc chủ nghĩa khởi động chiến dịch sửa đổi Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, cho phép chuyển đổi các Lực lượng Tự vệ thành quân đội chính quy nếu đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thượng viện.


Nếu điều này xảy ra, Lực lượng Tự vệ Nhật Bản sẽ có đầy đủ thẩm quyền pháp lý đến tấn công đáp trả trong trường hợp bị tấn công trước. Đồng thời, quân đội Nhật cũng sẽ có khả năng hỗ trợ đồng minh ngay cả khi bản thân họ không phải là đối tượng bị tấn công.

Về phía Trung Quốc, tháng 9 này họ chắc chắn không để cho lễ kỷ niệm đầu tiên của phi vụ quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư của Nhật Bản trôi qua mà không có hành động ầm ĩ gì.

Căng thẳng lãnh thổ trầm trọng thêm?

 Nhiều người quan ngại, căng thẳng lãnh thổ liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tiếp tục leo thang trong thời gian tới.

Giáo sư Hughes tuyên bố, quá trình chuyển đổi chính trị là đòn bẩy để Bắc Kinh lên dây cót cho các vấn đề lãnh thổ và chủ nghĩa dân tộc. Song ông cũng khẳng định, Nhật Bản dưới chính quyền Abe cũng có các hành vi làm trầm trọng và phức tạp thêm căng thẳng lãnh thổ.

Theo Giáo sư Hughes, trong khi lập trường về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku của Nhật Bản là dễ hiểu thì việc đảng LDP của Thủ tướng Abe chủ trương thay đổi hiến pháp, xét lại lịch sử và một vài vấn đề khác do giới chính trị dân tộc chủ nghĩa theo đuổi “chỉ làm xấu đi quan hệ của nước này với Trung Quốc và Hàn Quốc. Đồng thời, những nỗ lực của Nhật Bản nhằm chứng minh vị thế của họ như là một cường quốc tự do và quốc tế hàng đầu cũng có thể từ đó mà đổ xuống sông xuống biển”.  

“Thay vì tiến tới một trạng thái cân bằng mới, Nhật Bản lại dường như tạo cảm giác họ đang nhìn lại phía sau, ám ảnh với quá khứ và không có khả năng lãnh đạo khu vực tiến về phía trước”, giáo sư Hughes nhấn mạnh.

Ngày 18/7, truyền thông Trung Quốc bị kích động bởi các tuyên bố mới đây của Thủ tướng Nhật Bản đã đồng loạt “đánh hội đồng” cáo buộc ông Abe đang lợi dụng “chiêu bài mối đe dọa Trung Quốc” để kiếm phiếu trong cuộc bầu cử thượng viện của nước này vào ngày mai.

Tờ Nhân dân Nhật báo, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc còn mạnh mẽ cáo buộc ông Abe lợi dụng tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư để tái vũ trang Nhật Bản.

Tuy nhiên, Giáo sư Hughes cho rằng, sau cuộc bầu cử thượng viện, ông Abe có thể thúc đẩy các nỗ lực để hàn gắn quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc khi gần đây đã gửi phái viên tới Bắc Kinh và Seoul.

Sự lạc quan thận trọng

Theo Tetsuo Kotani, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, vẫn có một số lý do để lạc quan thận trọng về tương lai quan hệ Trung-Nhật bất chấp những căng thẳng thời gian gần đây.

"Cả Nhật Bản và Trung Quốc hiểu rằng họ phải tìm được quan điểm chung sau tháng 9. Tuyên bố chủ quyền của 2 nước về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku hoàn toàn trái ngược, do đó, họ sẽ khó lòng thay đổi lập trường riêng. Tuy nhiên, vẫn có khả năng 2 bên sẽ tìm kiếm một lựa chọn chung có khả năng cho phép Nhật Bản chấm dứt lập trường không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, do đó, cho phép Tokyo duy trì yêu sách chủ quyền. Còn Trung Quốc cũng phải giành được một chiến thắng ngoại giao có thể chấp nhận được”, ông Kotani nhấn mạnh

Theo nhà phân tích này, các trợ lý của Thủ tướng Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực hết mình để sắp xếp và lên kế hoạch cho cuộc họp không chính thức giữa 2 nhà lãnh đạo Trung-Nhật bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nga trong tháng 9. Cuộc họp được kỳ vọng sẽ giúp 2 nhà lãnh đạo thúc đẩy quá trình làm tan băng quan hệ song phương.
Bạch Dương (Theo CSMonitor)

Bình luận(0)