Ngày 30/9, Nga bắt đầu tiến hành các cuộc không kích phiến quân IS tại Syria sau khi Thượng viện Nga cho phép việc sử dụng lực lượng vũ trang ở nước ngoài theo đề xuất của Tổng thống Vladimir Putin.
|
Tổng thống Nga Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Barack Obama. Ảnh AP.
|
Trước đó, Tổng thống Putin đã gặp người đồng cấp Mỹ Barack Obama bên lề một phiên họp lần thứ 70 của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc tại New York. Mặc dù có những bất đồng nhưng hai bên đã nhất trí tiếp tục hợp tác trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Nga từng chỉ trích các cuộc không kích IS tại Syria của liên quân do Mỹ cầm đầu không mấy hiệu quả. Moscow khẳng đinh, tất cả các bên quan tâm đến việc ổn định tình hình Syria, trong đó có Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nên tham gia vào chiến dịch này. Mặc dù Mỹ và các nước đồng minh muốn Tổng thống al-Assad từ chức nhưng dường như Washington hạ giọng trong những ngày gần đây.
“Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói, Washington không yêu cầu ông al-Assad từ chức ngay lập tức và một tiến trình chính trị đã bắt đầu, một thỏa hiệp đã đạt được”, Tân Hoa Xã dẫn lời Yevgeni Minchenko – Giám đốc Viện Thẩm định Chính trị có trụ sở tại Moscow.
Theo Andrei Ivanov – chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và Đông Á thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Moscow - Mỹ bắt đầu nhận ra rằng, chính sách của họ đối với Syria đã gặp bế tắc, bởi sự ủng hộ của Washington dành cho lực lượng đối lập al-Assad đã củng cố sức mạnh của các tổ chức khủng bố.
“Do vậy, Mỹ buộc phải tìm cách thoát khỏi bế tắc này”, Ivanov cho hay.
Moscow sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích của Nga tại khu vực đông Địa Trung Hải, để đảm bảo sự tồn tại của Syria là một quốc gia thực sự chứ không phải là một vị trí trên bản đồ với sự hiện diện của tổ chức khủng bố, Yevgeny Satanovsky – Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trung Đông – nhận định.
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng Nga không thể mở rộng sự tham gia trong cuộc chiến tại Syria ít nhất là trong tương lai gần.
“Tôi tin rằng sự hỗ trợ về mặt quân sự và kỹ thuật cũng như việc tiến hành không kích và sự ủng hộ ngoại giao đối với việc ổn định chính trị nội bộ là quá đủ trong thời điểm hiện tại”, Minchenko nói.
Các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết của việc thiết lập kênh thông tin liên lạc ổn định nhằm ngăn các cuộc đụng độ giữa Nga và các nước khác có thể xảy ra.
“Nếu Nga và phương Tây xích lại gần nhau về vấn đề Syria, các bên liên quan sẽ sớm tạo một cơ chế cụ thể trao đổi thông tin và có thể phối hợp hành động. Sự phối hợp sẽ phụ thuộc vào các đối tác phương Tây của chúng tôi”, ông Satanovsky nhấn mạnh.