Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria nhằm đánh người Kurd

Google News

(Kiến Thức) - Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu của cuộc nội chiến Syria, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt biên đánh cả phiến quân IS lẫn dân quân người Kurd.

Trong những giờ đầu ngày 24/8, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nã pháo vào thành phố Jarablus nằm trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria trên bờ sông Euphrates và do phiến quân IS kiểm soát.
Tho Nhi Ky tan cong Syria nham danh nguoi Kurd
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ vượt biên, tiến vào lãnh thổ Syria. Ảnh Al Jazzera 
Sau đó, chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc không kích vào các vị trí của phiến quân IS ở trong thành phố Jarablus, khi lực lượng đặc biệt của nước này tiến vào thành phố. Xe tăng Leopard của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến đánh Jarablus và theo sau là 1.500 tay súng người Syria được Ankara hậu thuẫn. Phía Mỹ sẽ yểm trợ cho các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chiến dịch này "chống lại các nhóm khủng bố liên tục đe dọa đất nước” Thổ Nhĩ Kỳ, ám chỉ cả nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và lực lượng dân quân YPG của người Kurd Syria mà Ankara xem như những kẻ khủng bố.
Trước chiến dịch can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng YPG liên kết với Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) đã tiến về Jarablus, sau khi giải phóng thành phố Manbij.
Thổ Nhĩ Kỳ viện cớ tấn công IS để đánh người Kurd
Lực lượng dân quân người Kurd Syria nói rằng chiến dịch “Lá chắn Euphrates” của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được thôi thúc bởi mong muốn ngăn chặn họ đánh chiếm Jarablus hơn là chống phiến quân IS.
Trong thời gian diễn ra chiến dịch, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cảnh báo lực lượng người Kurd tránh xa thành phố Jarablus. Ông Cavusoglu nói: "Nếu YPG không rút quân về phía đông của sông Euphrates, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm tất cả những gì được cho là cần thiết".
Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cáo buộc tình báo quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã ám sát chỉ huy dân quân người Kurd ở Jarablus, Abdulsettar Al-Cadiri, ngay trước khi chiến dịch tấn công bắt đầu.
Người đứng đầu các lực lượng người Kurd Syria, ông Salih Muslim, tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã bảo kê các phần tử thánh chiến ở Syria. Ông nói: "Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang cố gắng kích hoạt các nhóm khủng bố như al-Qaeda ở Syria, những kẻ đã chặt đầu trẻ em ở Aleppo".
Theo một nhà phân tích tình báo phương Tây chuyên về Syria tại thành phố Gaziantep, có nhiều nghi vấn về 1.500 tay súng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Thổ Nhĩ Kỳ được cho là ủng hộ một liên minh bao gồm các nhóm phiến quân Hồi giáo khác nhau.
Nhà phân tích yêu cầu giấu tên này nói với đài Deutsche Welle (DW) : "Có một số bằng chứng cho thấy lực lượng đó bao gồm các chiến binh Ahrar al-Sham, nhưng đã có cuộc nói chuyện gần đây về việc sáp nhập giữa Ahrar al-Sham, Nur ad-Deen az-Zinki và Jabhat Fatah al-Sham (trước đây gọi là Mặt trận al-Nusra liên kết với al Qaeda”.
Các tay súng thuộc Lữ đoàn sơn cước Chim ưng (Liwa Suqour al-Jebal), một lực lượng dân quân Syria được Mỹ bảo trợ, cũng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Sự thay đổi chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ
Selim Sazak, một nhà phân tích chính sách đối ngoại tại The Century Foundation, nói sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ là một sự thay đổi trong cách thức mà Ankara nhìn nhận cuộc nội chiến Syria.
Nhà phân tích Sazak nói với DW: "Mục đích ban đầu của Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời cựu Thủ tướng Davutoglu là thúc đẩy thay đổi chế độ ở Syria. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy Ankara phải đối mặt với khả năng xuất hiện một nơi trú ẩn an toàn của Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) ở miền bắc Syria. Ankara dường như đã chuyển mục tiêu từ thay đổi chế độ sang kiềm chế lực lượng dân quân người Kurd (YPG) và ngăn chặn một nơi ẩn náu an toàn của PKK ở miền bắc Syria”.
Ông Sazak chỉ ra rằng trong năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đối mặt với làn sóng tấn công và nổi dậy của PKK bên trong biên giới nước này. Ông nhận định: "Thổ Nhĩ Kỳ đã thay thế Thủ tướng Davutoglu với bằng Thủ tướng Binali Yildirim có đầu óc thực dụng hơn, hàn gắn quan hệ với Nga và dường như đã hết hy vọng vào việc Mỹ kiềm chế YPG”.
Các chuyên gia cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công IS chỉ là một cái cớ để truy quét lực lượng dân quân người Kurd Syria.
Selim Koru, một nhà phân tích tại Tổ chức Nghiên cứu chính sách kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết các yếu tố gây ngạc nhiên nhất trong chiến dịch tấn công Jarablus là Thổ Nhĩ Kỳ đã mất khá nhiều thời gian để quyết định can thiệp. Ông nói: "Từ lâu, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi thiết lập một khu vực an toàn và đã tuyên bố không cho phép một nhà nước của người Kurd tồn tại ở biên giới phía nam nước này. Cuộc tấn công Manbij và đà tiến của SDF đã khiến cho sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ trở nên cấp bách hơn”.
Hậu quả khôn lường
Chuyên gia Selim Koru cho rằng có dấu hiệu cho thấy chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ muốn can thiệp vào Syria trước đó nhưng vấp phải sự chống đối trong quân đội. Bây giờ, sau chiến dịch thanh trừng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara có thể tự do hành động hơn. Ông nhận định: “Về mặt chiến lược, sẽ là tốt hơn nếu Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp sớm hơn. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không tin tưởng vào các tổ chức của mình vì vậy Ankara không thể can thiệp quân sự vào Syria. Bây giờ Ankara có cơ hội vì vậy Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự ở Jarablus”.
Ông Koru nói thêm: “Việc Thổ Nhĩ Kỳ đánh phiến quân IS trong lãnh thổ Syria có thể làm tăng nguy cơ IS giáng trả ở Thổ Nhĩ Kỳ. Có lẽ, Ankara cho rằng can thiệp quân sự vào Syria sẽ làm tăng đòn bẩy của Thổ Nhĩ Kỳ đối với nhóm Nhà nước Hồi giáo. Vì vậy, IS sẽ ít có khả năng tấn công. Tuy nhiên chúng ta phải thừa nhận rằng bất chấp sự đàn áp của chính phủ ở Ankara, IS có một mạng lưới rộng lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, nếu cuộc chiến giữa nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang, nó có thể khiến cho IS tăng cường tấn công mục tiêu dân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ”.
Minh Châu (Theo DW)

Bình luận(0)