Thiết quân luật ở miền nam Philippines có thể phản tác dụng?

Google News

(Kiến Thức) - Theo Tiến sĩ Sherif A. Elgebeily, việc Tổng thống Duterte thiết quân luật ở miền nam Philippines là có thể phản tác dụng đối với việc chấm dứt chiến tranh ở Mindanao.

Tiến sĩ Sherif A. Elgebeily, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh và An ninh Quốc tế ở London, đã nhận định như trên trong bài phân tích đăng trên báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” (SCMP) số ra ngày 31/5/2017.
Thiet quan luat o mien nam Philippines co the phan tac dung?
Biểu tình phản đối thiết quân luật ở miền nam Philippines. Ảnh: news4eurrope 
Theo Tiến sĩ Sherif A. Elgebeily, việc đình chỉ các quyền dân sự khi áp đặt thiết quân luật ở miền nam Philippines có thể sẽ kích động chủ nghĩa cực đoan của Hồi giáo bùng phát, trong khi những gì mà Tổng thống Rodrigo Duterte cần làm là giải quyết các nguyên nhân sâu xa như đói nghèo, mù chữ và nạn phân biệt đối xử.
Các cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ở Philippines không thể kết thúc bằng việc áp đặt thiết quân luật. Thiết quân luật chỉ khiến cho các công dân tuân thủ luật pháp phải chịu đựng những hành động vi phạm dân chủ và trái với mong muốn của Tổng thống Duterte, nó có thể thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo ở miền nam Philippines.
Thiết quân luật sẽ thay thế chính quyền dân sự bằng sự cai trị quân sự, tăng cường quyền lực cho quân đội trong trường hợp thiếu vắng quyền được xét xử của công dân trước tòa án để tránh các hành vi bắt giữ và giam cầm bất hợp pháp. Theo thiết quân luật, các công dân có thể bị giam giữ mà không có bằng chứng phạm tội và chỉ dựa trên sự nghi ngờ. Họ sẽ bị xét xử tại các tòa án quân sự chứ không phải ở các toà án truyền thống.
Theo lời của Tổng thống Duterte, quân đội Philippines có thể "bắt bất cứ ai, lục soát bất cứ căn nhà nào" trong khu vực bị thiết quân luật.
Do đó, những người lính sẽ không phải chịu trách nhiệm ngay cả đối với những hành vi hãm hiếp. Việc trao “quyền miễn trừ truy tố” cho các binh sĩ vi phạm nhân quyền sẽ tàn phá những nỗ lực chống khủng bố của Philippines và vô hình chung phục vụ lợi ích của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và đám người tuyển dụng phiến quân chống chính phủ Philippines.
Ước tính có tới 94% người Hồi giáo Philippines, chiếm hơn 5% tổng dân số của đất nước, tập trung ở phía nam nơi thiết quân luật đang được áp đặt. Thiết quân luật chính là hình thức trấn áp các nhóm thiểu số, bỏ qua lợi ích và nguyện vọng của họ, khiến cho các nhóm thiểu số vốn đã khốn khổ bởi tình trạng đói nghèo, mù chữ và thất nghiệp …cảm thấy bị đối xử như “công dân hạng hai”.
Hơn nữa, luật thiết quân luật đe dọa quá trình hòa bình vốn đã mong manh ở miền nam Philippines. Giao tranh ác liệt ở thành phố Marawi chỉ là chương mới nhất trong một cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ giữa lực lượng chính phủ và các phần tử ly khai Hồi giáo ở Philippines. Một thoả thuận bấp bênh được ký kết trong năm 2014 cho phép một nhóm người Hồi giáo thiểu số ở Bangsamoro quyền tự trị sau phong trào nổi dậy kéo dài từ những năm 1960. Thiết quân luật đe doạ quá trình hòa giải này. Các nhóm ủng hộ tự trị chủ yếu đã ký kết thỏa thuận này, nhưng các nhóm li khai - trong đó có nhóm Maute của Hapilon – có thể sẽ phản kháng dữ dội hơn trước hành động vi phạm nhân quyền của chính phủ Philippines.
Việc dùng thiết quân luật trấn áp một nhúm nhỏ các phần tử Hồi giáo cực đoan có thể bị coi là một sự biện minh cho những kẻ thánh chiến muốn xây dựng một Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Đông Nam Á.
Trên thực tế, chính phủ Philippines cần tránh các chiến thuật nặng tay có thể dẫn đến những hành động phản kháng. Trong ngắn hạn, thiết quân luật là cần thiết để chấm dứt các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh. Tuy nhiên, về lâu dài, thiết quân luật không thể giải quyết các nguyên nhân cơ bản tạo ra chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo ở miền nam Philippines.
Tiến sĩ Sherif A. Elgebeily kết luận: Nếu muốn loại trừ tận gốc chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, Tổng thống Duterte nên có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn và đầu tư nhiều hơn vào miền nam Philippines.
Minh Châu (Theo SCMP)

>> xem thêm

Bình luận(0)