Theo thông tín viên Sirwan Kajjo của đài VOA, tuy kế hoạch chống khủng bố của Ả-rập Xê-út đã nhận được ý kiến ủng hộ của một số nước thành viên của Liên minh quân sự Hồi giáo gồm 34 quốc gia, song vẫn còn nhiều nghi vấn về mức độ hợp tác và vẫn chưa rõ các thành viên có đóng góp về mặt quân sự hay không và nếu có, thì đóng góp ở mức độ nào.
|
Ả-rập Xê-út thông báo thành lập Liên minh quân sự Hồi giáo chống khủng bố gồm 34 quốc gia Hồi giáo.
|
Hoài nghi về động cơ của Ả-rập Xê-út
Bên cạnh đó, một số người vẫn còn hoài nghi về động cơ của Ả-rập Xê-út và những mối liên hệ chặt chẽ của vương quốc này với hệ phái Sunni bảo thủ mà những người chỉ trích nói là làm mạnh thêm các tổ chức thánh chiến như nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Ả-rập Xê-út cũng đang tham gia liên minh chống IS mà đa số thành viên là các nước phương Tây do Mỹ lãnh đạo, nhưng sự đóng góp của Riyadh trong liên minh là rất hạn chế.
Các giới chức Ả-rập Xê-út cho biết Liên minh quân sự Hồi giáo mà họ loan báo hôm 15/12 có mục đích chống lại chủ nghĩa khủng bố trong khu vực, nhưng lại không cho biết chi tiết liên quan tới hoạt động của liên minh.
Các cơ quan truyền thông nói rằng loan báo này làm cho các giới chức Mỹ và Nga cảm thấy bất ngờ vì họ chỉ biết được việc này qua báo chí.
Trong cuộc họp báo mới đây tại Moscow với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói: “Chúng tôi mong nhận được thông tin chi tiết từ những người bảo trợ tiến trình này”.
Một số nước ngạc nhiên khi có tên trong danh sách
Một số nước trong danh sách thành viên của liên minh cho biết họ ngạc nhiên khi thấy nước họ có tên trong danh sách đó.
Thứ trưởng Ngoại giao Pakistan Aizaz Chaudhry nói với các nhà báo rằng ông ngạc nhiên khi đọc những tin tức cho rằng Ả- rập Xê-út nêu tên Pakistan như một thành viên của Liên minh quân sự Hồi giáo.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pakistan, ông Qazi Khalil Ullah, nói rằng nước ông chưa quyết định có tham gia liên minh hay không.
Trong khi đó, các giới chức Pakistan đã xác nhận với nhiều cơ quan truyền thông rằng chính sách của Islamabad là không triển khai binh sĩ ở nước ngoài, ngoại trừ trường hợp tham gia các sứ mạng của Liên Hợp Quốc.
Tại Indonesia, quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Arrmanatha Nasir nói rằng nước ông cũng ngạc nhiên về loan báo của Ả-rập Xê-út. Ông Nasir cho biết rằng Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út đã tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia hôm 11/12 để thông báo quyết định "thiết lập một trung tâm phối hợp chống chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố, chứ không phải là một liên minh quân sự”. Indonesia bày tỏ sự ủng hộ đối với liên minh này, nhưng chưa phải là một thành viên.
Các giới chức Bangladesh cho biết nước họ chưa biết rõ sẽ nắm giữ vai trò như thế nào trong liên minh vừa được đề nghị.
Tại Kabul, các giới chức Afghanistan hoan nghênh việc thành lập một liên minh của các nước Hồi giáo để chống khủng bố. Một phát ngôn viên Bộ Nội vụ hôm 16/12 nói rằng Afghanistan đứng ở tuyến đầu của cuộc chiến chống khủng bố, trong đó có cuộc chiến mới đây chống lại tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS). Các giới chức Afghanistan cho biết Ả-rập Xê-út đã mời Kabul tham gia liên minh và đang xem xét đề nghị này.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, phát ngôn viên bộ ngoại giao Tanju Bilgic cho biết tại một cuộc họp báo rằng liên minh này muốn phối hợp những nỗ lực về quân sự, tình báo và ý thức hệ trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông Bilgic nói: "Các nước đối mặt với nạn khủng bố có một tiếng nói chung là rất quan trọng" và đây “là một bước quan trọng để tiến tới theo chiều hướng đúng”.
"Chỉ làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn”?
Tại khu vực người Kurd ở miền bắc Iraq, nơi các chiến binh người Kurd nắm giữ vai trò then chốt trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo, nhiều người tỏ ý hoài nghi về Liên minh quân sự Hồi giáo do Ả-rập Xê-út cầm đầu.
Ông Jabar Qadir, một nhà phân tích ở Irbil, nói: "Liên minh này chỉ làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn”. Ông cho rằng Liên minh quân sự Hồi giáo chống nhóm Nhà nước Hồi giáo có phần chắc sẽ không hoạt động hữu hiệu "vì nó được thúc đẩy bởi những động cơ giáo phái và nó là một cách để ứng phó với sự bành trướng của Iran và của những nhóm dân quân Hồi giáo Shia trong khu vực”.
Liên minh 34 nước này chỉ bao gồm những nước Hồi giáo Sunni.
Các nhà phân tích cho biết Iran, một nước Hồi giáo Shia, đã bày tỏ sự nghi ngại đối với sáng kiến của Ả-rập Xê-út.
Tuy nhiên, tại Ai Cập, Viện al-Azhar (Học viện Hồi giáo có uy tín nhất thế giới) đã hoan nghênh quyết định của Ả-rập Xê-út và hối thúc tất cả các nước Hồi giáo tham gia liên minh này.