Báo mạng Quartz ngày 11/9 đăng tải ý kiến chuyên gia nhận định: Trong số tất cả các điểm nóng tiềm tàng ở Biển Đông, không một nơi nào đang được theo dõi một cách căng thẳng hơn bãi cạn Scarborough, rộng 150 km2 và cách bờ biển Philippines chưa đầy 241 km.
|
Bãi cạn Scarborough rộng 150 km2 và chỉ cách bờ biển Philippines chưa đầy 241 km. Ảnh Google Earth |
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Philippines đã công bố các bức ảnh cho thấy nhiều tàu Trung Quốc đậu trong khu vực và có thể tiến hành hoạt động bồi đắp, quân sự hóa bãi cạn Scarborough.
Khi xem xét kỹ lưỡng các bức ảnh mà Philippines công bố hồi tuần trước, một số nhà quan sát cho rằng các tàu Trung Quốc không có các thiết bị nạo vét và do vậy chưa có nguy cơ xảy ra ngay hoạt động cải tạo bãi cạn này.
Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough (hoặc Hoàng Nham đảo, theo cách gọi của Trung Quốc) từ tay Philippines từ năm 2012. Từ đó đến, nay, Trung Quốc không cho ngư dân Philippines đánh bắt hải sản trong khu vực này. Trung Quốc nhấn mạnh là họ không xây dựng gì ở đây. Nhưng trong quá khứ, Bắc Kinh đã từng có những tuyên bố gian dối về những chuyện tương tự. Ví dụ, Trung Quốc từng tuyên bố chỉ xây dựng chỗ trú ẩn cho ngư dân ở Đá Vành Khăn (Mischief Reef) trong quần đảo Trường Sa. Thế nhưng, hiện nay, tại đây đã có các nhà chứa máy bay, một đường băng đủ dài cho tất cả các loại máy bay quân sự cất hạ cánh và một cảng nước sâu ở “đảo nhân tạo” này.
Scarborough: Một đỉnh của "Tam giác chiến lược"
Hầu như không còn nghi ngờ gì nữa về việc Bắc Kinh muốn xây dựng một căn cứ quân sự ở bãi cạn Scarborough (mà Philippines còn gọi là bãi Panatag, còn Trung Quốc gọi là Hoàng Nham đảo). Một căn cứ quân sự như vậy, phối hợp với các căn cứ hiện có ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ giúp cho Trung Quốc có một “tam giác chiến lược” để tiến hành các hoạt động theo dõi và tuần tra ở toàn bộ Biển Đông.
|
Máy bay ném bom chiến lược H-6K của Trung Quốc bay tuần tra trên bãi cạn Scarborough ngày 14/7, hai ngày sau phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài ở La Haye. Ảnh weibo.com |
Tam giác chiến lược này cũng giúp Trung Quốc thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Hiện chưa rõ bằng cách nào Trung Quốc có thể thiết lập thực sự một ADIZ ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh chắc chắn sẽ tiến bước theo hướng này. Một số nước đã cảnh báo rằng Bắc Kinh muốn biến Biển Đông thành “ao nhà Trung Quốc”.
Biển Đông là một “thùng thuốc nổ địa chính trị”, giàu tài nguyên thiên nhiên và có giá trị chiến lược. Trung Quốc muốn kiểm soát Biển Đông và bãi cạn Scarborough có thể là yếu tố cuối cùng cho phép thực hiện ý đồ này. Ở những nơi khác trong Biển Đông, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây các đảo nhân tạo, với các đường băng đủ đáp ứng nhu cầu quân sự, các thiết bị theo dõi, các cảng nước sâu...Tất cả các hoạt động đó nhằm hỗ trợ cho yêu sách lãnh thổ tham lam phi lý đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, một tuyến đường biển cực kỳ quan trọng đối với thương mại thế giới.
Giữa tháng 7/2016, Tòa Trọng tài ở La Haye đã ra phán quyết bác bỏ cơ sở pháp lý của những đòi hỏi này, nhưng Bắc Kinh tuyên bố không thừa nhận phán quyết nói trên.
Thay đổi cuộc chơi giữa các cường quốc khu vực
Trong một cuộc chiến tranh thực sự, việc Mỹ và các đồng minh phá hủy bất kỳ cơ sở quân sự nào mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông là chuyện tương đối dễ dàng. Đa phần các công trình này được xây dựng trên bề mặt bãi đá không có nền móng và cũng rất dễ bị hư hại do bão.
Tuy nhiên trong một thư điện tử gửi cho tạp chí Quartz, chuyên gia phân tích quân sự Sean Liedman - nguyên là sĩ quan hải quân Mỹ - viết: “Việc Trung Quốc quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và có thể cả bãi cạn Scarborough mang lại mối lợi quân sự rất lớn trong thời bình, như mở rộng hoạt động tìm kiếm, xây dựng mạng lưới theo dõi, hỗ trợ hậu cần và lập các hệ thống chỉ huy và kiểm soát… Không nên đánh giá thấp mối lợi trong thời bình và trong giai đoạn chuẩn bị chiến tranh (giai đoạn Zero và giai đoạn 1, theo biệt ngữ của giới quân sự Mỹ) và hai giai đoạn đầu này quyết định sự thắng lợi trong giai đoạn 3 (lâm chiến)”.
Căn cứ quân sự của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough là quá gần không chỉ với Philippines mà đặc biệt với Căn cứ không quân Basa, gần Manila. Đây là một trong 5 căn cứ mà chính phủ Philippines đã cho phép quân đội Mỹ sử dụng tạm thời, trên cơ sở Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng có hiệu lực 10 năm, được ký năm 2014 và đã được Tòa án Tối cao Philippines phê chuẩn hồi đầu năm nay.
Các nước khác cũng lo lắng về vấn đề bãi cạn Scarborough. Biển Đông là tuyến hàng hải chính vận chuyển dầu lửa từ Trung Đông tới Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như Trung Quốc. Hơn 5.000 tỷ USD trao đổi thương mại được vận chuyển hàng năm qua tuyến hàng hải cực kỳ quan trọng này.
Nhà phân tích Yoji Koda, nguyên là Phó đô đốc hải quân của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản, viết trên báo Asia Policy rằng “tam giác chiến lược” nói trên có thể trở thành một yếu tố “làm thay đổi cuộc chơi trong quan hệ giữa các cường quốc khu vực”. Chắc chắn, các chiến lược gia quân sự ở Bắc Kinh cũng tán đồng nhận định này.