Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thăm Philippines vào cuối cuộc tập trận Balikatan (Vai kề vai) giữa Philippines và Mỹ, người ta bắt đầu lo lắng về khả năng Trung Quốc sẽ bồi đắp “đảo nhân tạo” trên bãi cạn Scarborough, vào thời điểm Philippines trải qua quá trình chuyển giao quyền lực thông qua cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5/2016.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tham dự thời điểm cuối của cuộc tập trận chung Balikatan giữa Mỹ và Philippines. Ảnh Reuters |
Tuy nhiên, không như hy vọng của Manila, Bộ trưởng Quốc phòng Ahston Carter đã không đưa ra một sự bảo đảm chính thức nào về khả năng Mỹ sẽ trợ giúp Philippines ngăn chặn Trung Quốc chiếm vĩnh viễn bãi cạn Scarborough, mặc dù chuyến thăm Philippines của ông là nhằm để thể hiện sự cam kết đối với liên minh quân sự Mỹ-Philippines.
Bãi cạn Scarborough đã được Mỹ chuyển giao cho Philippines
Cho đến những năm 1990, bãi cạn Scarborough vẫn được xem xét riêng rẽ và rất khác biệt so với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.
Khác với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bãi cạn Scarborough nằm trong số các vùng lãnh thổ mà Mỹ đã chuyển giao cho Philippines khi nước này giành độc lập.
|
Bãi cạn Scarborough nằm trong số các vùng lãnh thổ mà Mỹ đã chuyển giao cho Philippines khi nước này giành độc lập. Trong bản đồ: Vị trí địa lsy của bãi cạn Scarborough. Bản đồ: Google earth |
Hiệp ước Washington 1900 giữa Tây Ban Nha và Mỹ quy định rõ rằng bất cứ lãnh thổ nào do Tây Ban Nha quản lý với tư cách là bộ phận của quần đảo Philippines, thậm chí ngay cả khi nằm bên ngoài ranh giới do Hiệp ước Paris 1989, đều được nhượng lại cho Washington.
Mỹ tiếp quản bãi cạn Scarborough từ tay Tây Ban Nha vì mục đích an toàn hàng hải, đánh bắt cá, nghiên cứu và tìm kiếm cứu nạn.
Năm 1938, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng Mỹ đã tiếp quản bãi cạn Scarborough từ Tây Ban Nha trên cơ sở Hiệp ước 1900 và sau đó chuyển giao Scarborough cho Philippines.
Vào năm 1946 khi giành được độc lập, Philippines tiếp nhận quyền quản lý đối với bãi cạn Scarborough. Sau khi Hải quân Philippines hai lần phá hủy các cơ sở của bọn buôn lậu trên bãi cạn Scarborough vào năm 1963, một khu vực hải quân 20 hải lý được thiết lập quanh bãi cạn này, biến Scarborough thành một vùng mở rộng của căn cứ quân sự Mỹ ở Philippines. Tư nhân không được lai vãng tuy nhiên thi thoảng các đoàn khảo sát và khoa học cũng như tàu đánh cá theo mùa có thể được vào khu vực này.
Quân đội Philippines và Mỹ công khai sử dụng khu vực này cho đến khi các căn cứ Mỹ đóng cửa vào năm 1991.
|
Đối đầu Trung Quốc-Philippines tại bãi cạn Scarborough trong năm 2012. Minh họa: rappler.com |
Chỉ sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Philippines, Trung Quốc mới thực sự có những hành động cụ thể để xác lập chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough. Trung Quốc khẳng định quyền đánh cá truyền thống vào đầu những năm 2000 và đưa ra yêu sách dựa trên các quyền “lịch sử”. Cuối cùng Trung Quốc dùng vũ lực tước hết của Philippines mọi quyền đánh cá và thực thi pháp luật ở khu vực bãi cạn Scarborough kể từ năm 2012.
“Lửa thử vàng” đối với liên minh quân sự Mỹ-Philippines
Bãi cạn Scarborough có thể là “lửa thử vàng”, kiểm chứng tính bền vững và hữu hiệu của liên minh quân sự Philippines-Mỹ.
Là một lãnh thổ cũ của Mỹ được chuyển giao cho Philippines, bãi cạn Scarborough nằm trong diện bảo vệ của Hiệp ước Tương trợ Quốc phòng Mỹ-Philippines. Hiệp ước này yêu cầu Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ lãnh thổ Philippines.
Nếu Philippines quyết định ngăn chặn tàu nước ngoài đến xây đảo nhân tạo, Manila kỳ vọng Mỹ sẽ giúp bảo vệ “các tàu và máy bay công vụ” của Philippines trước các cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông. Trung Quốc đã thường xuên thực hiện các hành động tấn công trên biển bằng cách dùng tàu lớn đâm vào các tàu nhỏ của đối phương và đánh đắm chúng.
Việc biến bãi cạn Scarborough thành một “pháo đài trên biển” giống như ở Đá Vành Khăn là một động thái nguy hiểm giúp Trung Quốc tăng cường kiểm soát phi pháp đối với toàn bộ Biển Đông.
Không chỉ Philippines mà các nước ven Biển Đông khác cùng với Mỹ, Nhật Bản, Australia... đều muốn ngăn chặn động thái nguy hiểm đó của Trung Quốc.
Video Mỹ điều tàu chiến tuần tra khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Quần đảo Trường Sa. (Nguồn VTC):