Quan hệ Nga-TNK căng thẳng sau vụ bắn hạ Su-24

Google News

(Kiến Thức) - Theo nhiều chuyên gia, sau vụ bắn hạ máy bay Su-24 ở biên giới phía Syria, quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng.

Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng đáng kể sau vụ bắn hạ máy bay Su-24 hôm 24/11.
Cho tới ngày 26/11, chính phủ Nga đang soạn thảo các lệnh trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ như là một sự trả đũa. Trong khi đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan một mực không xin lỗi Nga và tuyên bố quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắn hạ bất cứ máy bay nào xâm phạm không phận nước này.
Quan he Nga-TNK cang thang sau vu ban ha Su-24
 Tổng thống Putin gặp gỡ Tổng thống Erdogan bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tổ chức ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo nhiều chuyên gia, tranh cãi giữa đôi bên thể hiện một cuộc đụng độ về tham vọng của hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai ông đều chưa sẵn sàng đi tới một thỏa hiệp về việc này.
Tổng thống Putin phê phán việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 Nga là một “cú đâm sau lưng” và khẳng định rằng vụ bắn hạ máy bay Nga trên bầu trời Syria là hành động vi phạm luật pháp quốc tế.
“Cho tới lúc này, chúng tôi chưa nhận được bất cứ lời xin lỗi rõ ràng nào từ giới lãnh đạo chính trị cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ hay một lời đề nghị bồi thường thiệt hại hay lời cam kết sẽ trừng phạt những kẻ có liên quan. Điều đó cho thấy, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cố tình khiến cho quan hệ hai nước lâm vào bế tắc. Chúng tôi rất tiếc về điều đó”, Tổng thống Putin nói ở Điện Kremlin lúc nhận quốc thư của đại sứ các nước.
Còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng không xin lỗi Nga về vụ bắn rơi máy bay Su-24. Chẳng những thế, ông còn cảnh báo rằng Ankara sẽ hành động tương tự  nếu xảy ra một vụ xâm nhập khác trong tương lai.
Ông Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ không hề chủ đích nhằm vào Nga khi họ bắn hạ chiếc Su-24 đó và nói rằng “đó là một phản ứng tự động” phù hợp với luật pháp nước này.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh France 24, khi được hỏi liệu rằng nếu biết đó là máy bay Nga thì quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có bắn hạ hay không, Tổng thống Erdogan cho biết: “Nếu chúng tôi xác định được đó là máy bay Nga thì có lẽ những lời cảnh báo sẽ khác”.
Trong khi đó, sau cuộc trò chuyện với Tổng thống Pháp Hollande ở Moscow, trả lời báo chí, ông Putin cho biết, ông khá buồn khi nghe thấy rằng Tổng thống Erdogan không có ý định xin lỗi Nga. “Đối với chúng tôi, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là một nước láng giềng thân thiện mà còn gần như một đồng minh vậy”, ông Putin nói.
Từ trước tới nay, cả hai vị tổng thống của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thường được các chuyên gia, nhà phân tích đem ra so sánh với nhau. Họ đều là những người theo chủ nghĩa dân túy và có mối quan hệ khăng khít với nhau thông qua những chuyến công du với tần suất khá dày. Đơn cử, tháng 9/2015, ông Erdogan đã tới Moscow để cùng ông Putin tham dự lễ mở cửa một nhà thờ Hồi giáo. Ở Hội nghị thượng đỉnh G-20 vừa rồi, hai tổng thống cũng có cuộc gặp riêng bên lề sự kiện đó.
Quay trở lại vấn đề trên, vào hôm 26/11, Tổng thống Erdogan trong cuộc phỏng vấn với kênh France 24 cho biết, ông đã cố gắng liên lạc với ông Putin để giải thích về vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga nhưng đều không nhận được lời hồi đáp nào từ nhà lãnh đạo Nga cả.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng công bố băng ghi âm với lời khẳng định rằng, phía họ đã phát đi lời cảnh báo đối với phi công Nga trên chiếc Su-24 trước khi bắn hạ nó. Trong đoạn ghi âm này, một giọng nói đã cất lên để cảnh báo nhiều lần rằng, máy bay Nga đang tiến vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu họ đổi hướng ngay lập tức. Băng ghi âm đó cho thấy không hề có lời đáp lại từ phía phi công lái Su-24 Nga.
Tuy nhiên, phi công sống sót sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga tên Konstantin Murakhtin đã bác bỏ cáo buộc của Ankara về việc chiếc Su-24 đã xâm phạm vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Anh còn kể rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không đưa ra bất cứ cảnh báo nào trước khi bắn hạ máy bay.
Quan he Nga-TNK cang thang sau vu ban ha Su-24-Hinh-2
Máy bay Su-24 Nga trúng tên lửa của chiến đấu cơ F-16 Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở một khía cạnh khác, Tổng thống Erdogan cáo buộc Nga đang sử dụng cuộc chiến chống phiến quân IS ở Syria như là một tấm bình phong cho hoạt động nhằm vào các nhóm đối lập, bao gồm tộc người Turkmen (là những người gốc Thổ sinh sống lâu đời ở Syria).
Ông Erdogan còn thách thức Nga chứng minh cho cáo buộc rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang mua dầu thô buôn lậu của phiến quân IS. Ông gọi lời tố đó là “đáng xấu hổ” và rằng, ông sẽ sẵn sàng từ chức tổng thống một khi điều này được xác thực là đúng.
Đáp trả lại điều này, ngay sau vụ máy bay Nga bị bắn rơi bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Putin đã ra lệnh triển khai tổ hợp tên lửa tới căn cứ không quân Nga ở Latakia, miền bắc Syria. Quả thực, cũng trong hôm 26/11, các đài truyền hình Nga phát đi một bản tin cho thấy, tổ hợp S-400 đã có mặt ở căn cứ Hemeimeen, chỉ cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ chừng 50 km.
Cùng với đó, tuần dương hạm Moskva cũng nhận lệnh tới vùng bờ biển Syria để tăng cường phòng thủ cho căn cứ Nga ở đó.
Căng hơn nữa, Bộ Quốc phòng Nga còn cảnh báo rằng, quân đội nước này sẵn sàng tiêu diệt mọi mục tiêu trên không có khả năng đe dọa tới các máy bay Nga hoạt động ở Syria. Bộ này còn thông báo đã cắt đứt mọi liên hệ quân sự với phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Chưa hết, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã chỉ thị cho các quan chức chính phủ lập danh sách dài các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng hai ngày tới.
Thanh Nga (theo AP)

Bình luận(0)