Quan hệ căng thẳng Trung-Mỹ bao trùm Đối thoại Shangri-La

Google News

(Kiến Thức) - Không còn nghi ngờ gì nữa, quan hệ căng thẳng Trung -Mỹ sẽ in đậm dấu ấn, nếu không nói là bao trùm, tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 ở Singapore.

Diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 khai mạc vào ngày 3/6 với bài phát biểu then chốt của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha trước khoảng 600 đại biểu. Có đến 21 bộ trưởng và thứ trưởng quốc phòng dẫn đầu các đoàn đại biểu đến Singapore để tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 15, trong số hơn 30 quốc gia tham dự diễn đàn.
Quan he cang thang Trung-My bao trum Doi thoai Shangri-La
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha có bài phát biểu then chốt tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 ở Singapore. Ảnh channelnewsasia.com 
Cuối tuần này, hơn 40 diễn giả nổi tiếng sẽ đề cập đến một loạt thách thức an ninh khu vực. Không còn nghi ngờ gì nữa, quan hệ Trung-Mỹ căng thẳng sẽ in đậm dấu ấn tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 ở Singapore.
Trong chuyến thăm Việt Nam mang tính đột phá mới đây, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố rằng “nước lớn hơn không được bắt nạt nước nhỏ hơn" và nói thêm rằng Mỹ sẽ sát cánh cùng với các đối tác trong việc giữ gìn nguyên tắc cốt lõi của tự do hàng hải và hàng không, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Nhiều nhà học giả Trung Quốc đổ lỗi cho chiến lược “xoay trục “ của Mỹ sang Châu Á gây ra căng thẳng hiện nay giữa Washington và Bắc Kinh. Trong khi chính phủ Mỹ lại cho rằng thực tế là hoàn toàn ngược lại. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken đã tuyên bố rằng những hành động quyết đoán của Trung Quốc đang khiến cho một số nước trong khu vực tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ.
Tuần trước, tại một buổi lễ tốt nghiệp tại Học viện hải quân Mỹ ở Annapolis, Bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter tuyên bố rằng Trung Quốc có nguy cơ tạo ra một "Vạn lý trường thành của sự tự cô lập" vì hành vi của nước này ở Biển Đông và trong không gian mạng. Cách đây một năm, Đô đốc Harry Harris - tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ - đã mô tả chiến dịch đắp đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông là xây dựng “Vạn lý trường thành bằng cát”.
Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã tiến hành tập trận trái phép tại quần đảo Hoàng Sa tháng trước. Với việc Mỹ cam kết sẽ duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ sẽ bộc lộ rõ nét tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 15.
Các sự kiện xảy ra trong năm ngoái và trong những tuần gần đây cho thấy Đối thoại Shangri-La năm nay sẽ bị chi phối bởi sự cạnh tranh Trung-Mỹ. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng cả Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Lầu Năm Góc đều không muốn “gây thù, chuốc oán” và tập trung vào khía cạnh tích cực hơn của mối quan hệ song phương.
Cả đoàn Mỹ lẫn đoàn Trung Quốc đều cảnh giác trước sự hiện diện đông đảo của truyền thông quốc tế tại Đối thoại Shangri-La 15. Trong mấy năm qua, Đoàn đại biểu Quân đội Trung Quốc đã tốn khá nhiều công sức để bảo vệ lãnh đạo đoàn vì đã khá vụng về trong việc trả lời các câu hỏi “đá xoáy” của cánh phóng viên.
Đại tá Chu Bo, một chuyên gia cao cấp của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhận xét rằng mặc dù sự khác biệt cơ bản, hy vọng tốt nhất cho quan hệ Trung Quốc-Mỹ là quản lý tốt. Có một số lĩnh vực cho sự hợp tác Trung- Mỹ, trong đó có việc hạn chế mối đe dọa hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, chống khủng bố và mối quan tâm an ninh phi truyền thống như di cư bất hợp pháp...Tất cả những điều này đều là những chủ đề đặc biệt tại Diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La vào cuối tuần này.
Ngoài ra, các phiên họp toàn thể tập trung vào các thách thức an ninh ở Châu Á, giải quyết xung đột, các mục tiêu an ninh chung và xây dựng chính sách quốc phòng.
Minh Châu (Theo The Straits Times)

Bình luận(0)