Phòng tuyến cuối cùng của Philippines trên Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Nhóm thủy quân trên một tàu chiến có từ Chiến tranh thế giới thứ 2 chốt gần vùng biển tranh chấp là phòng tuyến cuối cùng của Philippines trên Biển Đông.

Tàu đổ bộ BRP Sierra Madre, dài 100 m, được Mỹ đóng từ năm 1944 và được Hải quân Philippines tiếp quản từ năm 1976.


Nhóm thủy quân Philippines đang hoạt động trên một tàu đổ bộ cũ của Mỹ tại Bãi Cỏ Mây, Trường Sa, để chống lại mưu đồ của Trung Quốc nhằm kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông. Trên thực tế, con tàu này đã bị quân đội Mỹ bỏ lại đây và hiện được dùng làm thành căn cứ của Hải quân Philippines.

Tàu đổ bộ BRP Sierra Madre, dài 100 m, được Mỹ đóng từ năm 1944 và được Hải quân Philippines tiếp quản từ năm 1976. Cuối những năm 1990, Hải quân Philippines dùng con tàu làm căn cứ cho một đơn vị thủy quân đồn trú tại đây. Tuy nhiên, đơn vị này được cho nhiều nhất cũng chỉ có khoảng một tá quân nhân. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines, Peter Galvez, không cho biết về số lượng chính xác quân nhân đồn trú trên tàu cũng như vũ khí mà họ sử dụng.

"Họ phải sử dụng tàu làm căn cứ. Cuộc sống của các thủy quân Philippines trên tàu vô cùng khó khăn... Nguồn tiếp tế cho họ phụ thuộc vào các chuyến tàu hậu cần. Nhưng họ là thủy quân. Họ đã quen với những nỗi cực nhọc như thế", một vị tướng đã về hưu từng chỉ huy các lực lượng quân đội ở Tây Philippines cho biết.

Tàu tiếp tế phải mất từ 36-40 giờ để đi từ căn cứ đến Bãi Cỏ Mây tùy thuộc vào thời tiết. Bãi Cỏ Mây và cuộc sống của các thủy quân Philippines bảo vệ nó bắt đầu thu hút sự chú ý toàn cầu trong tuần này sau khi Philippines cáo buộc, các tàu chiến Trung Quốc xâm phạm khu vực này một cách “bất hợp pháp”.

Phát ngôn viên Galvez cho biết, con tàu có khả năng sản xuất điện, giúp các quân nhân có thể xem phim và chơi điện tử trong lúc giải trí. Ngoài ra, quân nhân trên tàu cũng có thể liên lạc với gia đình thông qua điện thoại vệ tinh cũng trong suốt thời gian họ phục vụ trên tàu. Thông thường, thời gian phục vụ trên tàu vào khoảng 3-6 tháng.

“Con tàu vẫn hoạt động. Dù nó trông khá tồi tàn”, ông Galvez nhấn mạnh.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất đối với các quân nhân Philippines trên tàu là sự hiện diện của Trung Quốc ở Đá Vành Khăn, cách Bãi Cỏ Mây chỉ khoảng 40 km. Hải quân Trung Quốc đã xâm chiếm Đá Vành Khăn từ năm 1995.

Ian Storey, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở ở Singapore cảnh báo, sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc mới đây xung quanh Bãi Cỏ Mây chứng tỏ Bắc Kinh không ngừng sử dụng sức mạnh quân sự ngày càng tăng để bảo vệ và tăng cường các tuyên bố chủ quyền.

"Và đương nhiên, luôn tiềm ẩn mối đe dọa trong tình huống xảy ra hiểu lầm hoặc sự cố giữa các bên có khả năng dẫn đến xung đột trên biển", ông Ian cảnh báo.

Đây là động thái mới nhất trong một loạt các bước đi táo tợn của Trung Quốc trong những năm gần đây để củng cố các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, gióng lên hồi chuông báo động đối với Philippines và nhiều nước khác.

Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã chiếm một bãi cạn Scarborough của Philippines cũng bằng cách thức tương tự: triển khai tàu chiến xâm phạm và án ngữ bãi cạn, xua đuổi và cấm mọi tàu thuyền Philippines đến gần khu vực.

Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, thậm chí kể cả các vùng biển cách rất xa bờ biển nước này và rất gần  bờ biển của các quốc gia Đông Nam Á. Trong đó, bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa là những khu vực tranh chấp nóng bỏng và khốc liệt nhất trên Biển Đông.

Hiện nay Trung Quốc đã kiểm soát bãi cạn Scarborough của Philippines. Và hiện thời, Bắc Kinh đang nhòm ngó Bãi Cỏ Mây, cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200 km. Bãi Cỏ Mây sẽ chìm nghỉm khi thủy triều lên cao.

TIN LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU



Bạch Dương

Bình luận(0)