Một số đồng minh của Tổng thống Trump hy vọng họ có thể tìm cách “lách luật” để khiến ông Pence đảo ngược kết quả bầu cử nhằm mang lại cơ hội cho ông Trump.
Thượng nghị sỹ Louie Gohmert đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang để cố gắng hủy bỏ một đạo luật về bầu cử được ban hành vào những năm 1880, nhằm điều chỉnh vai trò của ông Pence trong tiến trình xác nhận kết quả. Theo các chuyên gia pháp lý, rất khó có khả năng tòa án sẽ thụ lý vụ kiện này. Ông Pence gần như chắc chắn sẽ phải tuyên bố ông Biden là người chiến thắng dù Tổng thống Trump không chịu thừa nhận thất bại.
|
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: ABC News. |
Điều gì sẽ xảy ra vào ngày 6/1?
Theo luật bầu cử Mỹ, các tiểu bang sẽ gửi tổng số phiếu bầu đại cử tri của họ đến Quốc hội để kiểm đếm và xác nhận. Đây sẽ là lần cuối cùng xác nhận chiến thắng của ông Biden và công việc còn lại sẽ là chuẩn bị cho lễ nhậm chức. Quá trình này phần lớn mang tính thủ tục vì luật bầu cử yêu cầu Quốc hội phải coi kết quả kết quả kiểm phiếu mỗi các tiểu bang được chứng nhận trước hạn chót 8/12 là kết quả cuối cùng.
Tuy vậy, vẫn có một cơ chế cho phép các nhà lập pháp thách thức kết quả bầu cử. Đạo luật kiểm phiếu đại cử tri đã có những quy định riêng, hướng dẫn Quốc hội cách thức xử lý trong trường hợp có tranh chấp kết quả bầu cử tại một bang nào đó. Theo đạo luật, khi một thành viên của mỗi viện trong Quốc hội đưa ra thách thức kết quả, Hạ viện và Thượng viện sẽ tranh luận và xem xét. Chỉ khi Hạ viện và Thượng viện cùng nhất trí, kết quả bỏ phiếu mới có thể bị loại bỏ. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu đại cử tri đoàn chưa từng bị Quốc hội hủy bỏ kể từ thế kỷ 19.
Hơn 10 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện có kế hoạch thách thức kết quả bầu cử tại những bang mà ông Trump thua. Nếu họ thuyết phục được một thành viên tại Thượng viện tham gia nỗ lực đó, họ sẽ đạt được mục đích là trì hoãn việc xác nhận chiến thắng của ông Biden trong cuộc họp Quốc hội. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nỗ lực này nhiều khả năng sẽ thất bại cho dù Hạ viện và Thượng viện tiến hành xem xét và bỏ phiếu.
Vai trò của Phó Tổng thống Mike Pence
Với tư cách là chủ tịch Thượng viện, ông Pence sẽ phải chủ trì phiên họp toàn thể của Quốc hội để xác nhận chiến thắng của ông Biden. Giới phân tích cho rằng, vai trò của ông Pence mang tính biểu tượng nhiều hơn là tính quyết định. Ông Pence sẽ phải mở các phong bì do mỗi bang nộp và thông báo có bao nhiêu phiếu đại cử tri dành cho mỗi ứng viên.
Adav Noti, chánh văn phòng tại Trung tâm Pháp lý Tranh cử, một tổ chức phi đảng phái, cho rằng, ông Pence thậm chí không phải thực hiện việc kiểm phiếu vì các trợ lý sẽ đảm nhiệm công việc này thay ông ấy. Họ sẽ báo cáo cho ông ấy số phiếu đại cử tri cho các ứng viên tại mỗi bang và ông ấy chỉ cần thông báo lại. Kết thúc quá trình này, ông Pence sẽ thông báo con số cuối cùng: 306 phiếu đại cử tri dành cho ông Biden và 232 phiếu dành cho ông Trump.
Các lựa chọn của ông Pence để thách thức kết quả bỏ phiếu
Meredith McGehee, Giám đốc điều hành của Issue One – một nhóm nghiên cứu về cải cách chính trị ở Washington cho biết, ông Pence có một số quyền hạn. “Là người chủ trì cuộc họp, ông ấy có quyền lực chính đó là quyền công nhận”.
Ông Pence có quyền công nhận hoặc không công nhận các nhà lập pháp và phiếu đại cử tri. Nếu ông không công nhận các phiếu đại cử tri chính thức thì đây sẽ bị coi là hành vi bất hợp pháp và vai trò của ông sẽ ngay lập tức bị đa số thành viên trong Quốc hội bác bỏ.
Nhưng vẫn có một số khả năng xảy ra. Khi các đại cử tri nhóm họp trong tháng 12 để bỏ phiếu, một số thành viên Cộng hòa ở các bang ông Trump bị thua trong cuộc bầu cử ngày 3/11, đã tổ chức cuộc bỏ phiếu của đại cử tri thay thế ủng hộ ông Trump tại những bang này. Ông Pence có thể bác bỏ kết quả kiểm phiếu mà các thư ký tại Quốc hội thông báo cho ông, và công nhận lá phiếu của đại cử tri thay thế, nhưng điều này sẽ vi phạm Đạo luật kiểm phiếu đại cử tri. Đây là lý do một số thành viên đảng Cộng hòa đã đệ đơn kiện lên Tòa án Tối cao yêu cầu hủy bỏ đạo luật này.
Nếu kịch bản nói trên xảy ra, hành động của ông Pence chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt từ các thành viên Dân chủ tại Quốc hội và có thể cả các lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Thượng viện. Theo nhận định của Meredith McGehee, nếu ông Pence thực sự muốn làm điều đó, ông ấy có khả năng đặt phe Dân chủ vào thế phòng thủ nhằm chứng minh cuộc bầu cử này đi ngược lại với các cáo buộc đảng Cộng hòa.
Dù muốn hay không, sự kiện diễn ra ngày 6/1/2021 sẽ đặt ông Pence vào tính thế phải công khai chọn phe: không ủng hộ ông Trump và các đồng minh hay ủng hộ họ và tỏ rõ ý định lật ngược kết quả. Trong trường hợp ông Pence từ chối thực hiện vai trò chủ trì phiên họp xác nhận kết quả bầu cử, Chủ tịch Thượng viện tạm quyền sẽ đứng ra xử lý công việc. Sự thay thế này sẽ diễn ra lần đầu tiên kể từ năm 1969 khi Phó Tổng thống lúc bấy giờ là Hubert Humphrey từ chối chủ trì quá trình xác nhận vì ông bị thua trong cuộc bầu cử tổng thống trước liên danh tranh cử của Richard Nixon.