Nhà sử học tôn giáo Karen Armstrong mô tả Nhà nước Hồi giáo IS là một “tổ chức khủng bố với mô hình kinh doanh được xác định rõ ràng ngay từ lúc nhen nhóm”.
|
Cổ vật bị cắt thành miếng lấy cắp ở một địa điểm khảo cổ tại Niveva ở Iraq đã được chuyển tới Bảo tàng Quốc gia ở Baghdad sau khi thu hồi. |
Tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới
Nhà nước Hồi giáo là tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới. Xem video tuyên truyền thô kệch của nhóm này, người ta có thể thấy đoàn xe “khủng” của các phiến quân IS.
Nhưng tiền ở đâu ra?
Một số phân tích nói rằng đó là từ khoản tiền quyên góp và buôn lậu xăng dầu (lên tới 1,645 triệu USD/ngày), bắt cóc (ít nhất 20 triệu USD vào năm ngoái), buôn người, tống tiền, cướp bóc và sau cùng là… bán đồ cổ. Đó là một nguồn thu nhập béo bở. Thí dụ,việc bán các đồ cướp được ở al-Nabuk, phía tây Damascus, đã mang lại cho phiến quân IS tới 36 triệu USD.
|
Phiến quân IS dùng thuốc nổ hủy hoại thành phố cổ Nimrud, sau khi cướp bóc những cổ vật nhỏ có thể đem bán.
|
Phiến quân IS hoạt động trong vùng khảo cổ giàu nhất thế giới, là cái nôi của nền văn minh nhân loại.
Khi công trường khảo cổ ở Nimrud, Nineveh và Hatra đang bị phá hoại, người ta nghi rằng dòng các cổ vật xuất phát từ đó đã xuất hiện ở chợ đen.
Phiến quân IS hoặc sử dụng cái gọi là “khảo cổ bằng máy ủi” (đào xới bằng mọi thiết bị sẵn có) có sức tàn phá khủng khiếp hoặc dùng dân địa phương để đào bới các vị trí khảo cổ và lăng mộ. Sau đó, phiến quân IS thu thuế, theo luật Sharia, dựa trên giá trị của bất kỳ báu vật nào lấy được.
Phiến quân IS có thể phá hoại các tượng lớn vì bọn chúng không bán được, nhưng có bằng chứng cho thấy rằng chúng đang buôn bán các cổ vật nhỏ.
Cổ vật càng nhỏ càng dễ bị buôn lậu
Chuyên gia Arthur Brand của hãng Artiaz tại Amsterdam (một trong những hãng đang cố gắng tìm kiếm các đồ nghệ thuật bị đánh cắp) đã gọi việc những đồ cổ mà phiến quân IS đem bán là “đồ cổ nhuốm máu”. “Đồ cổ nhuốm máu” thường khó vận chuyển hơn so với “kim cương nhuốm máu”, nhưng lại được giá hơn nhiều.
Hiện có rất nhiều tin tức nói rằng đồ cổ từ Syria và Iraq đang được “quay vòng” ở “chợ đen” châu Âu.
Cơ quan An ninh Anh đang tiến hành bốn cuộc điều tra liên quan đến đồ cổ Syria. Nhưng nếu không có sự hỗ trợ lớn hơn về tài chính thì việc phá các mạng lưới vận chuyển những của cướp được vòng quanh thế giới dường như là “nhiệm vụ bất khả thi”.
|
Những cổ vật nhỏ và dễ vận chuyển xuất hiện ngày càng nhiều ở thị trường chợ đen hơn các cổ vật lớn. |
Trong những đồ được tìm mua có các bia chữ viết Ả-rập cổ đại, triện dấu hình trụ, bình vại, tiền xu… và đặc biệt là các tranh khảm. Đó là những thứ có thể dễ dàng đập nhỏ ra để vận chuyển. Đồ càng nhỏ, dễ giấu và dễ vận chuyển là đồ có thể có giá trị cao hơn.
Nhóm Nhà nước Hồi giáo IS không phải là tổ chức khủng bố đầu tiên sử dụng “đồ cổ nhuốm máu” để có vốn cho hoạt động của nhóm.
Năm 1974, Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) đã đánh cắp các tranh cổ của họa sĩ bậc thầy, kể cả tranh “Quý bà viết thư với cô hầu” danh họa Vermeer, từ một ngôi nhà ở tỉnh Wicklow. Các bức tranh này khi đó được định giá 12 triệu USD.
Bảo tàng Quốc gia Iraq bị mất cổ vật trị giá ước tính 10 tỷ USD
Rất ít cổ vật trong số hàng nghìn cổ vật bị cướp ở Syria và Iraq được thu hồi. Chúng sẽ bí mật chui vào các bộ sưu tầm tư nhân. Phần lớn chạy sang châu Âu, Mỹ (nơi có nhu cầu đặc biệt về các đồ thời kỳ tiền Hồi giáo) và Nhật Bản, Australia.
Tháng trước Cơ quan Hải quan và Xuất nhập cảnh của Mỹ (ICE) có trưng bày khoảng 60 cổ vật đã tìm được, trong đó có cả tượng đầu Vua Sargon II của Assyria rất đẹp được định giá là 1,2 triệu USD.
|
Bức tượng cổ Sumeri này nằm trong số hàng nghìn những báu vật bị cướp ở Bảo tàng Quốc gia ở Baghdad năm 2003. Theo ước tính, bảo tàng này đã bị mất 15.000 hiện vật trưng bày trị giá 10 tỷ USD.
|
Hàng được liệt kê xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ và theo giấy tờ khai thì giá trị của tượng đầu vua Sargon II là 6.500 USD. Những đồ cổ buôn lậu khác, gồm cả thuyền đưa tang Ai Cập, được định giá là 57.000 USD.
Các đồ cổ mà ICE thu hồi là những đồ từ thời Chiến tranh Iraq.
Hơn 15.000 hiện vật - trong đó có nữ trang châu báu, đồ gốm và điêu khắc - đã bị lấy cắp từ Bảo tàng Quốc gia Iraq. Trong số những đồ cổ nổi tiếng nhất bị mất có chiếc bình Warka 5.000 năm tuổi (sau này được tìm thấy ở dạng 14 mảnh nhỏ).
Hàng trăm đồ cổ chưa bao giờ tìm lại được và những ghi chép năm thế kỷ của triều đại Ottoman bị mất hết cũng như các tranh của Picasso và Miró bị cháy sạch. Một ước tính về thiệt hại do ăn cắp đồ nghệ thuật ở Iraq nêu ra con số 10 tỷ USD.
Lynda Albertson, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu tội phạm đối với nghệ Thuật, nói rằng không thể định lượng được IS đã kiếm được bao nhiêu tiền trên thị trường chợ đen.
Những người sưu tầm muốn mua đồ cổ không có xuất xứ rõ ràng phải chịu trách nhiệm đối với nạn phá hủy các di sản trên khắp thế giới.