Tổng thống Mỹ Donald Trump “tiến thoái lưỡng nan” trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên là nhận định của nhà bình luận Martin Fritz trong bài viết đăng trên trang mạng Deutsche Welle ngày 4/9/2017.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump “bó tay” trước nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un? Ảnh ghép: Picture Alliance/AP |
Cho đến nay, Mỹ đã thất bại trong việc ngăn chặn chương trình tên lửa-hạt nhân của Triều Tiên. Đã 11 năm trôi qua, kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) áp đặt dụng các biện pháp trừng phạt vào Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân đầu tiên, Bình Nhưỡng vẫn tiến triển trong việc tăng cường khả năng tấn công hạt nhân. Rõ ràng, những phản ứng gần đây của Mỹ đối với các cuộc thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cho thấy chính quyền của Tổng thống Donald Trump không hề mong đợi kết quả này và hoàn toàn không chuẩn bị đối phó với tình huống như vậy.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lớn tiếng đe dọa chế độ ở Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, cả phương án tấn công bằng vũ khí thông thường lẫn phương án tấn công bằng vũ khí hạt nhân đều không phải là lựa chọn thực tế đối với Washington. Hàn Quốc và Nhật Bản - các đồng minh của Mỹ trong khu vực - sẽ không chấp nhận điều đó vì hai nước này sẽ trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công trả đũa. Và nếu Mỹ chọn phương án gây áp lực với Triều Tiên thông qua các lệnh trừng phạt, thì Bình Nhưỡng sẽ có thêm thời gian để hoàn thiện kho tên lửa và vũ khí hạt nhân.
CHDCND Triều Tiên muốn đàm phán một hiệp định hòa bình, với đảm bảo rằng các biện pháp trừng phạt sẽ được dỡ bỏ. Nhưng đó không phải là tất cả. Triều Tiên muốn được cộng đồng quốc tế công nhận là một cường quốc hạt nhân. Các quan chức Triều Tiên thường viện dẫn trường hợp Pakistan, nước đã được Mỹ chấp nhận như là một cường quốc hạt nhân. Vì vậy, khi đàm phán với Bình Nhưỡng, Mỹ sẽ phải từ bỏ đòi hỏi về một Bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân. Mỹ có thể thương lượng về giới hạn kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhưng không thể làm gì hơn nữa. Thế nhưng, đây chính là điều mà cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản đều không thể chấp nhận.
"Trò chơi nước đôi" của Trung Quốc cũng gây nhiều phiền toái cho chính quyền Donald Trump. Mỹ dựa vào Trung Quốc để thực thi các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang theo đuổi các mục tiêu riêng. Đề xuất cấm vận dầu mỏ đối với CHDCND Triều Tiên sẽ không được Trung Quốc chấp nhận. Đó là chưa kể Trung Quốc muốn làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Á và chương trình tên lửa-hạt nhân của Bình Nhưỡng lại tỏ ra khá hữu ích đối với Bắc Kinh để chống lại liên minh Mỹ-Hàn Quốc.
Suy cho cùng, Nga cũng không phải là một nước trung lập trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Sự tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ tên lửa của Triều Tiên làm dấy lên nghi ngờ về sự trợ giúp của Nga, mặc dù không có bằng chứng rõ ràng nào về điều đó. Mọi sự thay đổi về tương quan lực lượng ở Viễn Đông đều cho thấy tầm quan trọng của Nga trong khu vực. Việc Nga quả quyết rằng đàm phán hữu hiệu hơn trừng phạt cho thấy lập trường của Moscow về cuộc khủng hoảng Triều Tiên.
Xét theo nhiều góc độ, Mỹ chính là bên thua cuộc lớn trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên hiện nay và phản ứng cay cú của Tổng thống Donald Trump cho thấy rõ thực tế này.
Theo nhà bình luận Martin Fritz, Washington cần tìm kiếm một nhà hòa giải trung lập để xử lý xung đột với Triều Tiên, có thể là Thụy Điển hoặc Đức. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ đòi hỏi một mức độ trưởng thành ở Washington, nhưng đây chính là điều mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump còn lâu mới đạt được.