Về sự lật ngược chính sách đối ngoại 180 độ này, thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer giải thích với CNN đó là do “tình hình thay đổi”.
NATO không “lỗi thời”
Có lẽ sự đảo chiều 180 độ nổi bật nhất của Tổng thống Donald Trump trong hôm 12/4 là về NATO. Khi còn là ứng cử viên tổng thống Mỹ, ông Trump đã tuyên bố rằng NATO đã "lỗi thời”.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo ngày 12/4 tại Nhà Trắng. Ảnh CNN |
Trong cuộc họp báo ngày 12/4 cùng với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại East Room (Phòng phía đông của Nhà Trắng), ông Trump tuyên bố ngược lại: "Ngài Tổng thư ký và tôi đã thảo luận hiệu quả về những gì NATO có thể làm được trong cuộc chiến chống khủng bố. Tôi phàn nàn về điều đó từ lâu và họ (NATO) đã có những thay đổi và bây giờ họ đã chống lại chủ nghĩa khủng bố. Tôi nói nó (NATO) đã lỗi thời, nhưng nó không còn lỗi thời nữa”.
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng NATO đột nhiên tiến hành chống khủng bố là rất gây tranh cãi. NATO đã trải qua nhiều năm chiến đấu ở Afghanistan trong một cuộc chiến đánh bại al-Qaeda và Taliban sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.
Tuy nhiên, sự cải chính này cho phép ông Trump rút lại lập trường trước đây “trong danh dự” và đi thăm đại bản doanh của NATO ở Brussels.
Quan hệ với Nga “thấp nhất mọi thời đại”
Nhiều ngày sau khi chính quyền của ông dường như chấp nhận việc để cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiếp tục nắm quyền, ông Trump đã tuyên án Assad là “tên đồ tể” dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường. Bây giờ, ông lại quay sang ủng hộ việc thay đổi chế độ ở Syria.
Lập trường này được đưa ra giữa lúc Tổng thống Trump nghi ngờ khả năng cải thiện quan hệ với Nga, điều mà ông từng lớn tiếng cam kết trong chiến dịch tranh cử. Tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Trump nói: "Bây giờ chúng tôi không hòa hợp với Nga. Chúng ta có thể ở mức thấp nhất mọi thời đại trong mối quan hệ với Nga".
Việc Tổng thống Donald Trump thay đổi lập trường đối với Nga cũng có thể trấn an các đồng minh Mỹ vốn lo ngại những mong muốn rõ ràng của ứng viên tổng thống Trump trong việc theo đuổi một sự hợp tác với Moscow. Ông Trump cho biết rằng ông sẽ theo dõi Tổng thống Nga Putin “một thời gian nữa” và sự hợp tác với Nga “có thể diễn ra, nhưng cũng có thể ngược lại”.
Những ý kiến trên của Tổng thống Donald Trump được đưa ra khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang đàm phán ở Moscow. Trước đó, ông Trump đã chỉ trích sự ủng hộ của Kremlin dành cho chế độ Assad và hậu quả khủng khiếp của vụ tấn công vũ khí hóa học chống thường dân đã khiến ông ra lệnh phát động tấn công tên lửa hành trình tuần trước.
Bất ngờ “tung hô” Trung Quốc
Trong khi lạnh nhạt với Tổng thống Nga Valdimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại bất ngờ tung hô Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago tuần trước.
Ông Trump nói trong cuộc họp báo: "Tôi không biết Putin, nhưng tôi biết quý ông này (Tập Cận Bình). Tôi đã dành nhiều thời gian với ông ấy trong hai ngày vừa qua, và ông ấy là Chủ tịch Trung Quốc".
Tổng thống Trump nói thêm: "Chủ tịch Tập muốn làm điều đúng đắn. Chúng tôi đã có một mối quan hệ rất tốt. Chúng tôi khá giống nhau về tố chất và tôi nghĩ rằng ông ấy (Tập Cận Bình) muốn giúp chúng tôi về vấn đề Bắc Triều Tiên. Chúng tôi thảo luận về thương mại. Chúng tôi đã nói chuyện về rất nhiều thứ... Như tôi đã nói, cách thực hiện một hợp đồng thương mại tốt giúp chúng tôi giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, nếu không chúng ta sẽ hành động một mình”.
Mặc dù không có gì đảm bảo rằng Trung Quốc cảm thấy lợi ích của nước này phù hợp với những đòi hỏi của Mỹ về vấn đề Bắc Triều Tiên, hoặc ở bất cứ nơi nào khác ở Châu Á, lập trường của ông Trump cho thấy sự đảo ngược hoàn toàn so với những ngôn từ gay gắt lên án Trung Quốc trong thời gian tranh cử.
Tổng thống Trump đã lật ngược những tuyên bố lên án Trung Quốc “cướp việc làm của người Mỹ”, “chủ ý định giá đồng nội tệ thấp trong nhiều năm liền”, nhưng trên thực tế Bắc Kinh đã làm cái điều ngược lại.
Tổng thống Trump cũng trở nên linh hoạt hơn trong việc đòi Trung Quốc đảo ngược tình trạng mất cân bằng thương mại với Mỹ, một nền tảng khác trong của chiến dịch tranh cử tổng thống của ông.
Ông Trump đề nghị rằng nếu Trung Quốc giúp giảm bớt mối đe dọa Triều Tiên, ông có thể chấp nhận một thỏa thuận thương mại ít thuận lợi hơn đối với Mỹ.
Theo một số quan chức Mỹ, sự đảo ngược 180 độ về chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải do "lật lọng" mà là do tầm nhìn từ Nhà Trắng thường khác “một trời, một vực” so với góc nhìn cục bộ của chiến dịch tranh cử tổng thống (???).