Những điểm nóng sắp bùng phát của xung đột Tehran-Riyadh

Google News

(Kiến Thức) - Có quá nhiều điểm nóng để xung đột Tehran-Riyadh bùng phát, nhưng có lẽ nóng nhất là nội chiến Syria và mâu thuẫn giáo phái ở Bahrain.

Vụ Ả-rập Xê-út hành quyết  giáo sĩ Shiite Sheikh Nimr al-Nimr đã gieo mầm
xung đột Tehran-Riyadh khắp Trung Đông.  Chính phủ ở Riyadh do người Hồi giáo Sunni chi phối xem ra muốn tái khẳng định cam kết chống người Hồi giáo Shiite.  Tuy có đến 43 thành viên al-Qaeda và chỉ có 4 người Hồi giáo Shiite bị Ả-rập Xê-út xử tử, nhưng vụ hành quyết giáo sĩ  Nimr al-Nimr đã khiến cho người Hồi giáo Shiite phẫn nộ, đặc biệt ở Iran.
Nhung diem nong sap bung phat cua xung dot Tehran-Riyadh
Vụ hành quyết giáo sĩ  Nimr al-Nimr đã khiến cho người Hồi giáo Shiite phẫn nộ, đặc biệt ở Iran.  
Những người biểu tình quá khích đã xông vào đốt phá đại sứ quán Ả-rập Xê-út ở Tehran và khiến cho Riyadh cùng nhiều nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Hậu quả của cuộc xung đột Riyadh-Tehran có thể rất nặng nề.
Bắt đầu với Syria, nơi Ả-rập Xê-út và Iran đang sa vào “một cuộc chiến ủy thác”. Ả-rập Xê-út đang hậu thuẫn các nhóm phiến quân và muốn tập hợp lại thành một liên minh chống chính phủ Syria, trong khi Iran ủng hộ chế độ Assad về người và của.Tuy đã chịu tham gia đàm phán hòa bình về Syria, nhưng Ả-rập Xê-út và Iran vẫn còn nghi kị lẫn nhau. Mâu thuẫn Riyadh-Tehran trên bàn đàm phán có nguy cơ bùng phát, mặc dù Ả-rập Xê-út khẳng định sẽ tiếp tục tham gia đàm phán.
Bahrain có thể là một điểm nóng khác. Quốc đảo với dân số 1,2 triệu người này có đa số công dân là người Hồi giáo Shiite nhưng lại chịu sự cai trị của chế độ quân chủ Sunni. Năm 1981, dân chúng Bahrain cũng làm Cách mạng Hồi giáo và đã thất bại với mưu đồ thiết lập chế độ thần quyền ở nước này. Ả-rập Xê-út đã can thiệp quân sự vào  Bahrain và triển khai quân đội ở đó kể từ năm 2011 để trấn áp các cuộc biểu tình phản đối theo kiểu “mùa xuân Ả-rập”.
 Khi Ả-rập Xê-út cắt đứt quan hệ với Iran vào ngày 3/1,  chính phủ Bahrain cũng noi theo và người Hồi giáo Shiite đã xuống đường biểu tình phản đối. Hiếm có quốc gia nào ở Trung Đông chịu ảnh hưởng mạnh của cả Ả-rập Xê-út lẫn Iran như Bahrain và cũng hiếm có nước nào có mâu thuẫn  giáo phái sâu sắc như đảo quốc này. Trên thực tế, Bahrain quả là một lò lửa xung đột âm ỉ chờ dịp bùng phát dữ dội ở Trung Đông.
Nhưng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi xung đột Tehran-Riyadh có lẽ là cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Để tiệt trừ IS và ngăn chặn tổ chức khủng bố này hồi sinh, người Hồi giáo Sunni và Shiite ở Trung Đông cần phải tạm thời gác lại bất đồng để chống kẻ thù chung. Triển vọng này đã bị cuộc xung đột giữa Iran và Ả-rập Xê-út đẩy ra xa đến tận đường chân trời.
Nhung diem nong sap bung phat cua xung dot Tehran-Riyadh-Hinh-2
Các cuộc chiến ủy thác "chủ động" và "thụ động" giữa Ả-rập Xê-út và Iran.
Những bức điện tín bị Wikileaks tiết lộ đã cho thấy rằng Ả-rập Xê-út luôn bị ám ảnh với việc kiềm chế sự bành trướng của Iran. Cuộc tấn công đại sứ quán Ả-rập Xê-út sẽ làm sâu sắc thêm ám ảnh này và Iran sẽ bị thế giới Ả-rập tiếp tục cô lập. Các bên kình chống nhau sẽ giành nhiều nguồn lực đổ vào chiến tranh giáo phái và ít quan tâm đến việc đánh bại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.
Ả-rập Xê-út và Iran đều quan trọng đối với phương Tây trong cuộc chiến chống cái gọi là Nhà nước Hồi giáo. Hai nước này có quân đội mạnh nhất ở Trung Đông và chỉ chịu đứng sau Israel.
Ả-rập Xê-út là trung tâm của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh giàu có do người Hồi giáo Sunni chi phối, trong khi các bức hình của Đại giáo chủ Ayatollah Khomeini được giương cao ở các nước có người Hồi giáo Shiite sinh sống  như Lebanon.
Để xoa dịu căng thẳng giáo phái, lực lượng ôn hòa ở Iran do Tổng thống Tổng thống Hassan Rouhani đứng đầu đã  lên án cả  cuộc tấn công đại sứ quán Ả-rập Xê-út và vụ hành quyết giáo sĩ al-Nimr.  Nhưng với cuộc bầu cử quốc hội Iran dự kiến tổ chức trong tháng 2/2016 và Tổng thống  Rouhani đang chạy đua giành một ghế trong Hội đồng chuyên gia (một hội đồng có quyền hạn lựa chọn nhà lãnh đạo tối cao tiếp theo ở Iran), phe bảo thủ sẽ khai thác triệt để mọi sự nhượng bộ của ông Rouhani đối với Ả-rập Xê-út.
Minh Châu (Theo The National Interest)

Bình luận(0)