Ba trụ cột đối ngoại của Nhật Bản

Google News

(Kiến Thức) - Tại kỳ họp lần thứ 183 của Quốc hội Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại giao Kisida đã trình bày về 3 trụ cột trong chính sách đối ngoại của "đất nước Mặt Trời mọc". 


Thủ tướng Shinzo Abe.  

Tăng cường quan hệ liên minh Nhật - Mỹ

Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua của Thủ tướng  Shinzo Abe, hai nhà lãnh đạo đã chia sẻ nhận thức chiến lược và mục đích về những vấn đề quan trọng và khẳng định, sự gắn bó chặt chẽ của quan hệ đồng minh Nhật Bản - Mỹ là rất cần cho hòa bình và an ninh thế giới. Do đó, từ nay về sau, hai nước nỗ lực tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Coi trọng quan hệ với các nước láng giềng

Nhật Bản cho rằng, nỗ lực để duy trì hòa bình và ổn định của khu vực không phải bằng sức mạnh mà bằng các chế định của pháp luật. Không phải chỉ triển khai ngoại giao trong khuôn khổ song phương mà sẽ là đa phương. 

Nhật Bản đang cùng với các nước liên quan như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga thúc đẩy Hội đồng bảo an LHQ sớm có nghị quyết mới đối với việc Triều Tiên phóng tên lửa và thử hạt nhân, đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng đình chỉ ngay việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, kể cả hoạt động làm giàu uranium. Nhật Bản dốc toàn lực để giải quyết vấn đề người bị bắt cóc với phương châm chưa giải quyết vấn đề người bị bắt cóc thì chưa bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Ngoài ra, tại hội nghị Hội đồng nhân quyền LHQ trong tháng 3/2013, Nhật Bản hợp tác với các nước liên quan thiết lập cơ chế kiểm tra mới về tình hình nhân quyền ở Triều Tiên. 

Quan hệ với Trung Quốc là một trong những quan hệ song phương quan trọng nhất. Do đó, Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ chiến lược cùng có lợi với Trung Quốc từ tầm nhìn đại cục. Theo Tokyo, xét từ quan điểm lịch sử và luật pháp quốc tế, nhóm đảo Senkaku là lãnh thổ của Nhật Bản. Vì thế, không tồn tại vấn đề chủ quyền lãnh thổ cần giải quyết tại Senkaku. Nhật Bản bình tĩnh và kiên quyết bảo vệ lãnh thổ trên đất liền, trên biển và trên không của mình, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tự kiềm chế không làm tình hình leo thang. 

Trong quan hệ với Hàn Quốc, Tokyo coi Hàn Quốc là đối tác chiến lược. Xuất phát từ lợi ích chiến lược chung, Nhật Bản không để các vấn đề cá biệt làm tổn hại tới quan hệ hai nước. Nhật Bản sẽ tăng cường một bước quan hệ kinh tế trong mậu dịch và đầu tư giữa hai nước và thúc đẩy sự hợp tác giữa các xí nghiệp Nhật-Hàn tại nước thứ 3. Theo Tokyo, vấn đề tranh chấp Takeshima không thể giải quyết một sớm một chiều. Do đó, hai bên sẽ kiên trì giải quyết.

Trong quan hệ với Nga, xuất phát từ tầm nhìn chiến lược, Nhật Bản phải xây dựng quan hệ giữa hai nước sao cho tương xứng với vị thế đối tác khu vực và nỗ lực triển khai sự hợp tác trong tất cả các lĩnh vực an ninh và kinh tế. Trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Curile, quan điểm giữa hai nước còn cách xa nhau nhưng phải kiên trì giải quyết vấn đề đưa 4 đảo trở về Nhật Bản và ký Hiệp ước hòa bình. 

Trong quan hệ với ASEAN, năm 2013 kỷ niệm 40 năm quan hệ Nhật Bản - ASEAN. Trong chuyến thăm ASEAN vừa qua, Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố "5 nguyên tắc quan hệ với ASEAN" của Nhật Bản. Theo đó, cần sử dụng các hội nghị cấp cao Nhật Bản - ASEAN để tăng cường hơn nữa quan hệ. Đồng thời, Nhật Bản đang xây dựng quan hệ hữu nghị trước hết với các nước là đối tác chiến lược trong khu vực như các nước ASEAN, Ấn Độ, Australia.

Tăng cường ngoại giao kinh tế 

Trước hết, Nhật Bản sẽ mở rộng cơ hội xuất khẩu và tạo môi trường để các xí nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời, để biến Nhật Bản thành cứ điểm sản xuất và nơi đầu tư hấp dẫn, Nhật Bản sẽ thúc đẩy liên kết kinh tế có tính chiến lược ở cấp độ cao với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực Đông Á, châu Âu... 

Về Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), trên cơ sở những nội dung đề cập tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chính phủ Nhật Bản sẽ có quyết định về việc tham gia TPP. Hơn nữa, Nhật Bản sẽ sử dụng các diễn đàn như  WTO, APEC, G-8, G-20 và tham gia tích cực vào việc hoàn chỉnh và thực hiện những luật lệ quốc tế trong lĩnh vực kinh tế.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Hương Ly

Bình luận(0)