Tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Peru tháng trước, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đơn phương tuyên bố rằng vùng biển tranh chấp xung quanh bãi cạn Scarborough ở Biển Đông sẽ trở thành khu bảo tồn biển và cấm đánh bắt cá.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thông báo như trên, sau khi gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên bên lề Hội nghị thượng định APEC ở Peru. Đây là lần thứ hai Tổng thống Duterte tuyên bố về bãi cạn Scarborough sau cuộc họp với phía Trung Quốc.
|
Kể từ giữa tháng 10/2016, ngư dân Philippines được quyền đánh cá trở lại ở các vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough. Ảnh Inquirer News |
Ngư dân Philippines có nguồn sống phụ thuộc vào các ngư trường xung quanh bãi cạn Scarborough cảm thấy bối rối và bức xúc trước quyết định đơn phương này.
Đối với ngư dân Philippines, việc biến ngư trường truyền thống xung quanh bãi cạn Scarborough thành “khu bảo tồn biển” là một sự thay đổi hoàn toàn không mong muốn, sau khi họ đã được đánh bắt cá xung quanh bãi cạn này vào giữa tháng 10/2016. Khi đó, Tổng thống Duterte vừa từ Trung Quốc trở về Philippines, sau chuyến thăm chính thức với khoản tín dụng ưu đãi 24 tỷ USD và một lời hứa hẹn rằng ngư dân Philippines có thể một lần nữa đánh bắt cá ở bãi cạn Scarborough.
Trung Quốc đã cấm ngư dân Philippines đánh bắt cá xung quanh bãi cạn Scarborough, sau khi giành quyền kiểm soát khu vực này trong năm 2012. Bắc Kinh đã dỡ bỏ lệnh cấm nói trên, sau chuyến thăm chính thức đến Bắc Kinh của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi đầu tháng 10/2016.
Các đầm phá xung quanh bãi cạn Scarborough là ngư trường nhiều cá và huyết mạch của tuyến vận chuyển quan trọng với khoảng 5 nghìn tỷ USD giá trị của thương mại thế giới qua lại mỗi năm.
Ứớc tính có đến 30% trong tổng số khoảng 4.000 ngư dân ở Masinloc bị ảnh hưởng bởi lệnh “tự phong tỏa” của Tổng thống Duterte và buộc phải bắt cá trong vùng biển của thành phố gần đó và cạnh tranh với các ngư dân bản địa trong một vùng biển đang cạn kiệt nguồn cá.
Ngư dân Philippines bị mắc kẹt trong vòng xoáy địa chính trị
Philippines và Trung Quốc đã mâu thuẫn về quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ năm 2012, khi tàu Cảnh sát biển Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn này và xua đuổi ngư dân Philippines bằng vòi rồng.
Phản đối sự phong tỏa của phía Trung Quốc , Manila đưa vụ việc lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye. Hồi tháng 7/2016, Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết có lợi cho Manila, nói rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là quá đáng và xâm phạm quyền của Philippines đối với Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý (370 km), bao trùm cả bãi cạn Scarborough.
Nhưng thay vì thực thi phán quyết có lợi của Tòa Trọng tài ở La Haye, Tổng thống Duterte quyết định tiếp cận ngoại giao thân thiện với Trung Quốc và quay lưng với Mỹ, một đồng minh lâu năm của Philippines.
Ông Laureno Artagame, chủ tịch các hiệp hội ngư dân ở Vịnh Subic, nói: "Trung Quốc đã khẳng định yêu sách lãnh thổ của họ rất rõ ràng. Tổng thống của chúng tôi đã không nói bất cứ điều gì ngoại trừ việc hiện thời chúng tôi có thể đánh cá ở bãi cạn Scarborough. Bây giờ ông lại muốn biến nó thành một khu bảo tồn biển. Chúng tôi (các hiệp hội ngư dân) thậm chí còn không được tham vấn về quyết định này".
Tổng thống Duterte có thể cấm ngư dân Philippines đánh cá xung quanh bãi cạn Scarborough, nhưng liệu ông có thể cấm người Trung Quốc làm bất cứ điều gì họ muốn ở đó?
Nhiều khả năng, bãi cạn Scarborough sẽ là một khu vực cấm đối với ngư dân Philippines, nhưng sẽ là một “khu vực đánh cá mở” dành cho ngư dân Trung Quốc.
Liệu Philippines có tự “mua dây buộc mình”?
Ông Eduardo Gongona, Cục trưởng Cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản (BFAR) của Philippines nói với phóng viên Deutshce Welle (DW) tại Manila rằng khu bảo tồn biển là một quyết định tốt, ngăn chặn tất cả các hình thức đánh cá có hại và không bền vững để “bảo tồn đa dạng sinh học”.
Ông Gongona vẫn tự tin rằng Cảnh sát biển và Hải quân Philippines có đủ khả năng bảo vệ khu bảo tồn biển ở bãi cạn Scarborough, một khi quyết định của Tổng thống Duterte được thực thi. Tuy nhiên, ông Gongona cũng thừa nhận rằng ngư dân đã không được tham vấn trước về quyết định này. Ông cho biết BFAR sẽ tới thăm các cộng đồng ngư dân để giải thích những lợi ích của việc biến bãi cạn Scarborough thành một vùng cấm đánh bắt cá.
Giáo sư Richard Heydarian, một chuyên gia về địa chính trị tại Đại học La Salle De ở Manila, nói với DW: "Một khu bảo tồn biển chỉ hữu hiệu, nếu và chỉ nếu tất cả các bên đều tôn trọng nó. Nhưng một số báo cáo cho thấy ngư dân Trung Quốc tiếp tục đánh bắt cá trong khu vực. Vì vậy câu chuyện thiết lập khu bảo tồn biển ở bãi cạn Scarborough có thể đồng nghĩa với việc Philippines tự mua dây buộc mình”.