Ông Rex Tillerson, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử giữ chức Ngoại trưởng Mỹ, đã bày tỏ một số quan điểm trái ngược với quan điểm của ông Trump về một số vấn đề đối ngoại trọng yếu như phổ biến vũ khí hạt nhân, buôn bán thương mại, biến đổi khí hậu và quan hệ với Mexico.
|
Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 11/1, ông Tillerson nói Nga là một trong nhiều "đối thủ" đặt ra "mối đe dọa đáng kể" với thế giới. (Nguồn: Reuters) |
Gọi Nga là "đối thủ"
Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 11/1, Ngoại trưởng Mỹ được đề cử Tillerson nói Nga là một trong nhiều "đối thủ" đặt ra "mối đe dọa đáng kể" với thế giới.
Vị cựu Tổng giám đốc điều hành của hãng dầu Exxon Mobil cho biết, ông ủng hộ duy trì các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và rằng các đồng minh NATO đã đúng khi cảnh giác trước các hoạt động quân sự của Nga. Ông thừa nhận các hoạt động của Nga "đã bỏ qua lợi ích của Mỹ”, liên quan đến việc sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014 và can thiệp quân sự tại Syria cách đây một năm.
Tuy nhiên, ông Tillerson nhấn mạnh sự cần thiết của một cách tiếp cận khác với Tổng thống Putin, nói rằng đối thoại và can dự là rất quan trọng để xác định lại quan hệ Mỹ-Nga.
Trong phiên điều trần, ông Tillerson đã từ chối trực tiếp trả lời những cáo buộc tin tặc Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng không có lý do gì để nghi ngờ báo cáo tình báo cho thấy hành động tin tặc đã xảy ra, nhưng từ chối cho biết liệu ông có ủng hộ các biện pháp trừng phạt nhắm vào Moscow liên quan đến cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua.
Trong 9 giờ điều trần tại Thượng viện, các nhà lập pháp Mỹ thường xuyên chất vấn ông Tillerson liên quan đến quan điểm của ông về Nga, một phần vì mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ của ông với Tổng thống Putin. Cách đây vài năm, ông Tillerson đã được Tổng thống Putin trao tặng Huân chương Hữu nghị.
Ông Tillerson thừa nhận rằng ông chưa nói chuyện với Tổng thống đắc cử Donald Trump về chính sách liên quan đến Nga và nói rằng "điều đó vẫn chưa xảy ra."
Cứng rắn về vấn đề Ukraine, quan hệ Mỹ-Trung
Ông Tillerson đã xa lánh quan điểm của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump về Ukraine. Ông cho rằng Nga “đang gây ra một sự đe dọa” ở Ukraine nhưng không phải là “không thể đoán trước” và chỉ trích "phản ứng rất yếu" của Tổng thống Mỹ Barack Obama liên quan đến vấn đề Crimea. Ông cho biết "sẽ đề nghị Ukraine huy động tất cả các tài sản quân sự sẵn có" và triển khai dọc theo biên giới phía đông.
Sau đó, phiên điều trần chuyển hướng chú ý sang mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông, các vấn đề về nhân quyền và khả năng của ông Tillerson trong việc đoạn tuyệt với sự nghiệp doanh nhân ở hãng Exxon Mobil để chuyên tâm trở thành người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ.
Bình luận về những điều có khả năng đe dọa quan hệ Mỹ-Trung Quốc, ông Tillersonnói rằng cần ngăn cản Bắc Kinh tiến vào các hòn đảo này đã được xây dựng trái phép ở phía Nam Biển Đông đang tranh chấp. Ông nói: "Chúng ta sẽ phải gửi cho Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng Bắc Kinh cần ngừng xây dựng trên đảo và không được phép truy cập những hòn đảo này”.
Khác biệt quan điểm với Tổng thống đắc cử Donald Trump
Ngoại trưởng Mỹ được đề cử Rex Tillerson đề cập đến các vấn đề khác như chủ nghĩa khủng bố và quan hệ bình thường với Cuba. Ông cũng thừa nhận những "rủi ro" do biến đổi khí hậu gây ra và nói rằng những rủi ro này “đã đủ nghiêm trọng để hành động”.
Vị Ngoại trưởng tương lai của Mỹ thể hiện rõ sự khác biệt quan điểm với Tổng thống đắc cử Trump khi ông Tillerson nói rằng không thể chấp nhận việc một số đồng minh của Mỹ nỗ lực để có được vũ khí hạt nhân của riêng họ. Khi Thượng nghị sĩ Dân chủ Edward Markey hỏi về việc ông Trump tuyên bố sẽ không phản đối các đồng minh Mỹ như là Nhật Bản phát triển vũ khí hạt nhân, ông Tillerson đáp: “Tôi không đồng ý”.
Ngoài ra, Rex Tillerson còn cho biết ông không phản đối Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương mà ông Trump lên án.
Tuy nhiên, ông Tillerson cho biết khác biệt giữa ông và ông Trump về một số vấn đề lớn sẽ không nhất thiết đẩy ông vào thế đối đầu với Nhà Trắng. Trong suốt phiên điều trần, về cơ bản ông Tillerson vẫn có quan điểm đối nghịch với chính sách của Tổng thống Obama và tương đồng với quan điểm của tân Tổng thống Donald Trump.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã ca ngợi ông Tillerson là "xuất sắc" trong buổi họp báo tại New York ngày 11/1, được tổ chức đồng thời với phiên điều trần của ông Tillerson tại Thượng viện.
Việc đề cử ông Tillerson giữ chức Ngoại trưởng Mỹ đã gây ra nhiều tranh cãi từ cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa vì sự thiếu kinh nghiệm chính trị và mối quan hệ kinh doanh với Nga của ông.
Sau buổi điều trần, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker nói rằng ông hy vọng Thượng viện Mỹ sẽ chấp thuận ông Tillerson đảm nhận chức Ngoại trưởng.