Trong chiến dịch tranh cử, ứng viên tổng thống Donald Trump đã ngụ ý rằng ông sẽ tìm cách hợp tác với các nước khác và làm cho cơ sở hạ tầng của nước Mỹ trở nên tốt nhất thế giới.
Nâng cấp cơ sở hạ tầng của nước Mỹ
Không còn nghi ngờ gì nữa, nước Mỹ từng có cơ sở hạ tầng tốt nhất thế giới trong những năm 1950 và 1960. Hiện thời, nước Mỹ đang có nhu cầu cấp bách trong việc sửa chữa và đổi mới cơ sở hạ tầng đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Vụ nước uống nhiễm chì ở Michigan và sập cầu ở Minneapolis cho thấy việc nâng cấp cơ sở hạ tầng của nước Mỹ là một vấn đề thực sự và cấp bách.
Theo EPA, nước Mỹ sẽ cần 384 tỷ USD đầu tư cho việc xử lý, cấp và phân phối nước uống để tránh xảy ra những thảm kịch như ở Michigan trong tương lai. Việc thay thế một cây cầu sập xệ như ở Minneapolis sẽ tiêu tốn khoảng 200 triệu USD. Như vậy, để đảm bảo an toàn cho tất cả các cây cầu ở Mỹ sẽ tiêu tốn khoảng 100 tỷ USD.
Khoảng 1/5 hệ thống đường sá của nước Mỹ đang bị xuống cấp và cần được sửa chữa. Theo dự toán việc nâng cấp cơ sở hạ tầng ở nước Mỹ liên quan đến giao thông vận tải, năng lượng và cung cấp nước sạch sẽ tiêu tốn ít nhất 2.300 tỷ USD trong thập kỷ tới.
|
Trong bài phát biểu sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, ông Trump nói: "Chúng ta sẽ tu sửa các thành phố và xây dựng lại các tuyến đường cao tốc, cầu, hầm, sân bay, trường học, bệnh viện..." |
Trong bài phát biểu sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, ông Trump nói: "Chúng ta sẽ tu sửa các thành phố và xây dựng lại các tuyến đường cao tốc, cầu, hầm, sân bay, trường học, bệnh viện. Chúng ta sẽ xây dựng lại cơ sở hạ tầng để không nước nào trên thế giới sánh kịp. Và chúng ta sẽ tạo ra hàng triệu công ăn việc làm trong quá trình xây dựng lại này”.
Ông Trump không cho biết chính xác về việc làm thế nào mà ông sẽ đạt được mục tiêu đầy tham vọng này. Một số cố vấn kinh tế của ông Trump đề xuất việc để cho khu vực tư nhân đảm nhận việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng, đổi lấy việc giảm thuế doanh thu.
Quan hệ đối tác với các nước trên thế giới
Trong bài phát biểu nói trên, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cũng nói: "Chúng tôi sẽ hợp tác với tất cả các nước khác sẵn sàng đi cùng chúng ta. Chúng ta sẽ có các mối quan hệ tuyệt vời. ... Chúng ta sẽ đối xử công bằng với tất cả mọi người, với tất cả các quốc gia khác. Chúng ta sẽ tìm kiếm tiếng nói chung, không thù địch và quan hệ đối tác”.
Xem ra, lập trường của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ đại diện cho một sự khởi sắc so với chính sách đối ngoại thảm hại của hai vị tổng thống tiền nhiệm của ông.
Khi George W. Bush trở thành tổng thống, ông đã theo đuổi ý tưởng tân bảo thủ rằng đã đến lúc chú Sam phải làm bá chủ thế giới. Ông Bush đã tiến hành xâm chiếm Iraq, với quan điểm thay đổi chế độ chính là một bước tiến tới thống trị thế giới.
Tổng thống George W. Bush đã tiến hành thay đổi chế độ ở Iraq, nhưng đã dẫn đến thảm họa: bất ổn ở khu vực Trung Đông, an ninh trên toàn thế giới bị vượt khỏi tầm kiểm soát. Ông Bush không có khả năng kết thúc chiến dịch quân sự ở Afghanistan và Iraq vốn đã tiêu tốn của nước Mỹ hàng nghìn tỷ USD.
Trong các cuộc tranh luận trên truyền hình, ứng viên tổng thống Donald Trump đã chỉ trích sự can thiệp của quân đội Mỹ trên thế giới. Theo ông Trump, lẽ ra nước Mỹ nên dành 4.000 tỷ USD tiêu tốn trong chiến tranh Iraq và Afghanistan để “sửa chữa đường sá, cầu cống và để giải quyết các vấn đề xã hội khác”.
Đáng buồn là chính quyền của Tổng thống Obama, vẫn tiếp tục sứ mạng “thay đổi chế độ” trên thế giới mà Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush để lại. Trong chính quyền Obama, Ngoại trưởng Clinton cũng phải chịu trách nhiệm về sự thay đổi chế độ ở Libya và sự trỗi dậy của ISIS vì các nỗ lực của Mỹ nhằm thay đổi chế độ ở Syria. Bà Clinton và ông Obama phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng người tị nạn vượt Địa Trung Hải đổ vào Châu Âu.
Thật không may cho Tổng thống đắc cử Donald Trump vì không thể bỏ qua các đám cháy lớn ở Trung Đông. Nhưng ông Trump có thể tránh việc tạo ra các cuộc xung đột và căng thẳng khu vực mới ở nơi khác, nếu ông thực hiện ý tưởng hợp tác với các nước khác trên thế giới.
Ông Trump dường như đã tìm ra cách để làm, việc với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông đang tìm cách tiếp cận tương tự với Trung Quốc. Xem ra, Tổng thống đắc cử Donald Trump tránh đối đầu quân sự với Trung Quốc vì sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền của.
Số tiền không phải chi cho việc xây dựng quân đội để đối đầu với Trung Quốc sẽ là một nguồn tài trợ to lớn cho công cuộc xây dựng lại cơ sở hạ tầng của nước Mỹ.
Luận điểm nước Mỹ "mất việc làm vào tay Trung Quốc" xem ra chỉ là một thủ đoạn tranh cử của ông Trump. Trên thực tế, trong nhiều thập kỷ qua, nước Mỹ đã “nhường” các công việc trả lương thấp trong ngành dệt may và giày thể thao cho Đài Loan và Hàn Quốc. Bây giờ các ngành công nghiệp trả lương thấp cũng đang rời khỏi Trung Quốc đến Bangladesh, Việt Nam và những các nơi khác có chi phí lao động thấp hơn.
Trung Quốc hiện đang tập trung vào tự động hóa, đổi mới sản phẩm và cung cấp dịch vụ với giá trị gia tăng cao hơn. Các công ty Trung Quốc đang tìm cách làm cho sản phẩm của họ có giá trị cao, thông qua việc đầu tư vào Mỹ và hợp tác với các công ty bản địa. Đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ tạo ra công ăn việc làm và có lợi cho nền kinh tế địa phương.
Chính quyền của ông Trump muốn làm việc với Trung Quốc và khuyến khích xu hướng này thay vì chính sách bài ngoại.
Nếu được mời tham gia, các công ty Trung Quốc sẽ đóng góp đáng kể nguồn lực để giúp thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng ở Mỹ đúng tiến độ.
Liệu chính quyền của Donald Trump có đoạn tuyệt với học thuyết vốn rằng con đường để nước Mỹ đi đến vĩ đại nằm trong việc thay đổi chế độ trên toàn thế giới?
Có một điều rõ ràng là nếu chính quyền mới từ bỏ được chính sách can thiệp thay đổi chế độ trên thế giới và làm bạn với tất cả các nước, ông Trump có thể đạt được một bước tiến quan trọng để làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại”.