Đường ống dẫn dầu Dandong-Sinuiju vốn cung cấp hơn nửa triệu tấn dầu thô cho Bình Nhưỡng mỗi năm đã được miễn trừ trước nghị quyết mà HĐBA LHQ thông qua hôm 11/9, trừng phạt Triều Tiên hơn nữa sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6.
|
Công nhân Trung Quốc không phải khóa van đường ống dẫn dầu Dandong-Sinuiju vốn cung cấp 90% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Triều Tiên. Ảnh: SCMP |
Các nhà phân tích cho rằng sự miễn trừ này phản ảnh việc Bắc Kinh không muốn đẩy Bình Nhưỡng vào tình thế tuyệt vọng hơn.
Tuy nhiên, Liu Ming - một nhà phân tích về vấn đề Triều Tiên thuộc Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải - cho biết các yếu tố kỹ thuật đối với đường ống là có thật và "không thể bỏ qua". Ông Liu Ming nói: "Dầu thô vận chuyển qua đường ống dẫn Dandong-Sinuiju chứa một lượng lớn sáp. Nếu dòng chảy của dầu chậm hoặc dừng lại, đường ống bị tắc nghẽn, do đó việc sửa chữa rất tốn kém. Các ống dẫn thậm chí có thể bị hư hỏng”.
Dầu thô chảy qua đường ống Dandong-Sinuiju được lấy từ mỏ dầu Daqing ở tỉnh Hắc Long Giang và có hàm lượng sáp cao. Hỗn hợp dầu này sẽ dễ bị đông lại trong thời tiết lạnh hoặc khi dòng chảy chậm lại đến mức độ nhất định.
Đường ống dẫn dầu mang tên “Hữu nghị” này dài trên 30km từ các cơ sở lưu trữ tại thành phố biên giới Đan Đông của Trung Quốc đến một kho chứa dầu tại thành phố Sinuiju ở CHDCND Triều Tiên.
Theo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc, đường ống dẫn dầu Dandong-Sinuiju được hoàn thành vào tháng 12/1975 và cung cấp cho Triều Tiên 520.000 tấn dầu thô nặng mỗi năm (3,64 triệu thùng/năm). Tuy Hải quan Trung Quốc không công khai khối lượng xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên từ tháng 1/2014, nhưng trong năm 2013, 590.000 tấn dầu thô đã từ Trung Quốc chảy sang từ nước Triều Tiên láng giềng.
Khối lượng dầu thô này được chế biến tại nhà máy lọc dầu duy nhất của Triều Tiên (Nhà máy Hóa chất Ponghwa), một cơ sở được xây dựng với sự hỗ trợ của Trung Quốc trong những năm 1970.
Các nguồn thạo tin về cuộc bỏ phiếu tại của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 11/9 nói rằng Mỹ muốn áp đặt lệnh cấm vận xăng dầu đối với Triều Tiên, nhưng Trung Quốc và Nga đã chống lại. Cuối cùng, một nghị quyết LHQ trừng phạt Triều Tiên “giảm nhẹ” đã được thông qua.
Ông Justin Hastings, một chuyên gia về quan hệ thương mại Trung Quốc-Triều Tiên tại Đại học Sydney, nói rằng Bắc Kinh không muốn vấp phải sự chống đối quyết liệt hơn của Bình Nhưỡng bằng cách cắt nguồn cung xăng dầu cho Triều Tiên. Bình Nhưỡng vốn rất oán hận Bắc Kinh vì đã ủng hộ các lệnh trừng phạt trước đây của LHQ.
Chuyên gia Justin Hastings nhận định: "Chính sách của Trung Quốc là buộc Bắc Triều Tiên phải đàm phán chứ không phải quì gối đầu hàng. Vì vậy nó được xây dựng với những sự miễn trừ như thế này để có thể duy trì chế độ ở Bình Nhưỡng. Có lẽ quan trọng hơn, việc cấm tất cả dầu thô nhập khẩu, ngoại trừ những gì Trung Quốc mà cung cấp thông qua đường ống dẫn Dandong-Sinuiju, sẽ mang lại cho Bắc Kinh nhiều đòn bẩy hơn đối với Bắc Triều Tiên, trong trường hợp giả định các quốc gia khác tuân thủ nghiêm chỉnh lệnh cấm của LHQ”.
Chuyên gia David von Hippel của Viện Nautilus về An ninh và phát triển bền vững ở California (Mỹ) nói rằng Bắc Kinh không muốn xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Triều Tiên. Ông Von Hippel nói: "Trung Quốc…muốn duy trì nguồn cung dầu mỏ cho Bình Nhưỡng ở mức đủ để đảm bảo rằng xã hội Bắc Triều Tiên không bị phá vỡ. Trung Quốc lo ngại làn sóng người tị nạn Triều Tiên tràn qua biên giới và ... hỗn loạn địa chính trị".