Cuộc tập trận chung kéo dài 6 ngày Hợp tác Hải dương của Nga – Trung Quốc vừa bắt đầu vào ngày 20/5. Đây được coi là cuộc tập trận chung lớn nhất của hải quân 2 nước kể từ năm 2005.
Thông điệp gửi đến thế giới
Theo bài viết trên mạng Quân sự Sina, cuộc tập trận hàng hải sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ về việc Trung Quốc và Nga sẽ làm việc cùng nhau ở châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc đang bị bao vây bởi các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines, còn quan hệ của Nga với các nước NATO đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi khủng hoảng Ukraine.
Tờ Jiji có trụ sở tại Tokyo cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đang làm việc cùng nhau để xây dựng cơ chế an ninh mới ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nga cũng lợi dụng cuộc tập trận này để cho thế giới thấy nước này chưa hoàn toàn bị cô lập, hãng thông tấn AFP đưa tin.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự buổi lễ bắt đầu cuộc tập trận Hợp tác Hải dương 2014. |
Ngoài ra, cuộc tập trận Hợp tác Hải dương 2014 cũng là tín hiệu cảnh báo đặc biệt dành cho Tokyo khi Nhật có tranh chấp lãnh thổ với cả Trung Quốc và Nga.
Cuộc tập trận diễn ra trong khi căng thẳng tăng cao giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông cũng như Nga phải đối diện với căng thẳng ở Đông Âu.
Hợp tác Hải dương 2014 là thông điệp gửi đến thế giới về việc Bắc Kinh và Moscow sẽ không chống lại nhau. Cả Nga và Trung Quốc đều cho rằng, việc Mỹ chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang châu Á là nhắm vào 2 nước này. Hải quân Trung Quốc sẽ cần sự giúp đỡ của Hải quân Nga trong việc đối mặt với Mỹ nếu căng thẳng tiếp tục tăng cao trong tương lai.
Lực lượng 2 bên tập trận có gì đặc biệt?
Có 14 tàu chiến mặt nước, 2 tàu ngầm, 9 máy bay cánh bằng, 6 trực thăng và 2 phân đội hoạt động đặc biệt được huy động cho cuộc tập trận đang diễn ra trên biển Hoa Đông. Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã cử đến tham dự cuộc tập trận hầu hết các tàu chiến hiện đại của nó.
|
Tuần dương hạm tên lửa Varyag tới Trung Quốc tập trận.
|
Trong các tàu chiến được Nga đem đến cuộc tập trận, chiếc tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường lớp Slava mang tên Varyag được coi là một trong những tàu chiến mạnh mẽ nhất của Nga. Chiếc Varyag được trang bị 16 tên lửa chống hạm SS-N-12, với tầm bắn ước tính khoảng 500km và có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.
Về phần mình, Trung Quốc cử tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 052C Trịnh Châu tham dự cuộc tập trận. Đây được coi là tàu chiến hiện đại nhất của Hạm đội Đông Hải của Hải quân Trung Quốc. Tàu khu trục Trịnh Châu có thể mang theo 48 tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 nhằm đánh chặn máy bay địch. Tàu Trịnh Châu có thể tấn công tàu địch hoặc các mục tiêu mặt đất với tên lửa hành trình C-805 và YJ-62.
|
Lần đầu tiêm kích J-10 của Trung Quốc sẽ tham gia tập trận chung.
|
Cuộc tập trận sẽ diễn ra với các nội dung như phòng không, chống ngầm và hoạt động cứu trợ thiên tai. Máy bay chiến đấu Su-30 và máy bay ném bom JH-7 của Hải quân Trung Quốc cũng sẽ được triển khai để cung cấp hỗ trợ hàng không tầm gần cho cả 2 hạm đội.
Đặc biệt nhất, cuộc tập trận Hợp tác Hải dương 2014 sẽ có sự tham gia của máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc. J-10 được thiết kế cho các trận không chiến nên cuộc tập trận sẽ đem đến những kinh nghiệm quý báu cho Trung Quốc trong việc kiểm soát bầu trời bằng cách phối hợp máy bay chiến đấu và tàu mặt nước.