Liên minh năng lượng chiến lược
Ông Putin đã để mắt đến phía đông sau khi trở lại làm Tổng thống Nga năm 2012. Khủng hoảng ở Ukraine càng khiến Nga cùng cố mối quan hệ với châu Á, đặc biệt là mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc – nước được Nga đặt vào vị thế ưu tiên chiến lược. Với việc châu Âu đang tìm cách làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, cũng như việc khu vực này có thể thắt chặt hơn lệnh trừng phạt, Moscow cần
một sự thay thế.
Ông Putin trong những tuần gần đây đã lặp lại nhiều lần về việc Nga nhìn thấy tương lai của nền kinh tế nước này ở Trung Quốc và cho rằng Trung Quốc đang trên đà vượt qua Mỹ để trở thành quyền lực kinh tế hàng đầu trên thế giới.
“Nga đặt Trung Quốc trên cùng trong các đối tác thương mại. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đầy biến động, tăng cường giao thương kinh tế đôi bên cùng có lợi, cũng như sự gia tăng của dòng vốn đầu tư giữa Nga và Trung Quốc là hết sức quan trọng”, ông Putin trả lời báo chí Trung Quốc trước thềm chuyến thăm nước này.
|
Khủng hoảng Ukraine đẩy Nga về phía Trung Quốc. |
Hành động tuyên bố rút các lực lượng vũ trang Nga ở biên giới Ukraine của ông Putin sẽ giúp làm giảm căng thẳng tình hình ở đấy trước cuộc bầu cử Tổng thống của nước này. Tuy nhiên, hành động của ông Putin cũng nhằm làm xoa dịu Bắc Kinh – vốn rất nhạy cảm với chủ nghĩa ly khai ở Tây Tạng.
Trọng tâm trong chuyến thăm 2 ngày tới Trung Quốc của ông Putin sẽ là một hợp đồng năng lượng kéo dài 30 năm giữa 2 nước kể từ năm 2019. Trung Quốc và Nga đã bắt đầu thảo luận về hợp đồng kể trên trong nhiều năm nhưng chưa thể đạt được sự đồng thuận về giá khí đốt. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Moscow cuối cùng đã đạt được thỏa thuận với mục đích cho
Washington và châu Âu biết rằng Nga có những thị trường khác cho xuất khẩu khí đốt trên thế giới.
“Trong tình hình căng thẳng với phương Tây, Nga không có sự lựa chọn khác. Nga phải ký kết các hợp đồng có thể ở châu Á càng nhanh càng tốt”, ông Vasily B. Kashin – một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích công nghệ và Chiến lược tại Moscow cho hay.
Ông Putin sẽ có chuyến thăm tới Normandy vào ngày 6/6. Tại đây, ông Putin có thể có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhằm thảo luận về vấn đề Ukraine. Nếu có trong tay hợp đồng cung cấp khí đốt mới với Trung Quốc, ông Putin sẽ càng có cơ sở để đối mặt với các nước phương Tây cũng như làm giảm ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt.
Trong cuộc phỏng vấn với báo chí Trung Quốc, ông Putin cho biết, thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc năm 2013 là gần 90 tỷ USD. Con số này chỉ thua kém thương mại song phương giữa Nga và toàn Châu Âu (đạt mức 370 tỷ USD vào năm 2012).
Nga cần một thị trường mới vì nền kinh tế của nước này phụ thuộc lớn vào xuất khẩu khí đốt và xăng, dầu. 67% tiền thu được từ xuất khẩu của Nga đến từ khí đốt và xăng, dầu. Các nguồn vốn từ Trung Quốc sẽ giúp Nga
bù đắp những tổn thất do các ngân hàng phương Tây đang tìm cách thắt chặt các lệnh trừng phạt.
Nga có kế hoạch tăng thương mại song phương với Trung Quốc lên 100 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD vào năm 2020.
Ngoài năng lượng, Nga và Trung Quốc còn hợp tác trong các lĩnh vực nào?
Bên cạnh những gì được ông Putin miêu tả là “liên minh năng lượng chiến lược”, ông Putin cũng đề cập đến các dự án hợp tác về thiết kế, sản xuất máy bay phản lực và máy bay trực thăng, khai thác mỏ, chế biến nông sản và cơ sở hạ tầng giao thông vận tải. Các chuyên gia cho rằng, Nga và Trung Quốc còn có những thỏa thuận hợp tác về kỹ thuật và quân sự nhưng sẽ được giữ bí mật.
Nga và Trung Quốc có đường biên giới dài gần 4.200km đã từng có những thời kỳ quan hệ không thoải mái. Lo ngại về một con quái vật kinh tế ở ngay sát biên giới, Nga đã từng chặn các khoản đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng. Tuy nhiên, theo những phát biểu của ông Putin, Nga đang mở cửa hơn đối với các khoản đầu tư từ Trung Quốc.
“Đây là một sự chuyển biến lớn, cho thấy Nga đang thực sự bước về phía Trung Quốc. Chúng ta sẽ thấy các bước tiếp theo trong thời gian tới”, ông Clifford Gaddy – một chuyên gia của Viện Brookings ở Washington và cũng là tác giả một quyển sách về Tổng thống Putin cho hay.
"Khi sử dụng các lệnh trừng phạt, chính phủ của ông Obama đã đẩy Nga về phía Trung Quốc", ông Gaddy nhận định.
Nga cũng hi vọng Trung Quốc sẽ giúp xây dựng cầu nối giữa Nga và Crimea. Trước đó, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm từ chối cuộc trưng cầu dân ý do Nga tổ chức ở Crimea trước khi sáp nhập. Ông Putin khi đó đã lên tiếng cảm ơn Trung Quốc trong bài phát biểu công bố việc trưng cầu dân ý.
Nga và Trung Quốc cũng tổ chức tập trận hải quân chung ở biển Hoa Đông vào cuối tháng 5/2014.
Trước đây, chiến lược thương lượng của Moscow là chờ đợi thụ động vì cho rằng việc thiếu tài nguyên sẽ khiến Trung Quốc tự mang đến trước cửa Nga những bản hợp đồng béo bở. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chiến thuật thụ động này đã qua.
“Không còn nhiều thời gian khi các lệnh trừng phạt đang leo thang. Nga đang trở nên tuyệt vọng”, ông Ildar Davletshin – người đứng đầu trung tâm nghiên cứu về dầu mỏ và khí đốt tại quỹ đầu tư Renaissance cho biết.
Ông Davletshin cũng lưu ý rằng khi cuộc đàm phán kéo dài thì sẽ có nguy cơ Nga mất thị phần vào các nhà cung cấp khác ở Trung Á.
Nước Nga với nguồn tài nguyên khổng lồ nhưng dân cư thưa thớt từ lâu đã rất thu hút với Trung Quốc. Việc kêu gọi đầu tư khai thác từ Trung Quốc cũng giúp Nga đặt các tài nguyên ra khỏi tầm ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt.
“Hợp đồng khí đốt sẽ là mở đầu cho những hợp đồng về những nguyên liệu thô khác”, ông Kashin cho hay.