Mới đây, quân đội Nga tại quân khu phía Nam đã được đặt trong tình trạng sẵn sang chiến đấu cao và tiến hành các cuộc tập trận. Tại các cuộc tập trận này, quân đội Nga đã tiến hành các thử nghiệm đối với hệ thống phòng thủ tên lửa cũng như kiểm tra tính cơ động của các đơn vị chiến đấu.
Bên cạnh đó, các đơn vị của quân khu Trung tâm thuộc quân đội Nga cũng đang tiến hành các cuộc tập trận và một số chuyên gia đã ngay lập tức gọi đây là “sự cảnh báo” đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine. Ngoài ra, với tình hình thay đổi nhanh chóng tại Trung Đông, các chuyên gia cho rằng các cuộc tập trận này không chỉ là một động thái chính trị mà nó có thể là biện pháp cần thiết nhằm chuẩn bị cho một hành động quân sự toàn diện.
|
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syria. |
Những dấu hiệu đầu tiên của đối đầu quân sự
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm tại Syria khi Istanbul ủng hộ lực lượng nổi dậy chống lại chính quyền của ông al-Assad được Moscow hậu thuẫn.
Hai nước có vai trò quan trọng trong cuộc nội chiến ở Syria hiện nay là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vốn có sự “thù hằn lịch sử” với cuộc chiến tranh đầu tiên Nga-Thổ Nhĩ Kỳ từ thế kỷ 16 và gần đây nhất là cuộc chiến tranh Crimea giữa Nga và Đế quốc Ottoman được hậu thuẫn của Anh và Pháp vào giữa thế kỷ 19.
Xét về thời điểm hiện tại, Nga bắt đầu can thiệp vào Syria bằng các cuộc không kích bắt đầu vào tháng 9/2015 và Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành pháo kích vào các vị trí của người Kurd ở Syria vào ngày 13/2 vừa qua đã tạo ra một cuộc “tiểu khủng hoàng” bên trong “quả bom chùm” địa chính trị của cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm qua tại Syria.
Trên thực tế, xung đột Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn ra tại Syria khi các nhóm nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đang cố gắng chặn đứng đà tiến của quân đội Syria được hỗ trợ bởi các cuộc không kích của Moscow và kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ là người Kurd Syria.
Tuy vào thời điểm hiện tại, các cuộc xung đột giữa Moscow và Ankara chủ yếu mới là một cuộc chiến tranh của “các ngôn từ”. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo nó có thể nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoáy và biến thành một cuộc đụng độ thực sự.
“Chúng ta đang ở đêm trước của một cuộc đối đầu như vậy. Không phải là bởi một ai đó định tấn công những người khác mà bởi có quá nhiều vũ khí và quân đội cùng những lợi ích chồng chéo tồn tại ở đây. Yếu tố bất ngờ sẽ đóng vai trò cực lớn trong chuyện này", ông Alexander Konovalov thuộc Viện Phân tích Chiến lược tại Moscow nói.
Ankara vừa chính thức lên tiếng chỉ trích các vụ ném bom của Nga, đồng thời đe dọa sẽ có một "phản ứng kiên quyết" và gọi các cuộc không kích này là "thấp hèn, độc ác và man rợ."
Về phần mình, Moscow đã lên án Ankara đã có hành động "khiêu khích" khi tiến hành pháo kích vào các vị trí của người Kurd ở Aleppo, đồng thời cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đang huấn luyện các chiến binh từ các nước thuộc Liên Xô cũ sau đó cử chúng đến Syria.
Trong một động thái gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai bày tỏ ý định có thể sẽ gửi quân đến Syria cùng với đồng minh của mình là Saudi Arabia để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - động thái có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp với các lực lượng Nga tại Syria.
|
Nga-Thổ Nhĩ Kỳ giờ không còn là bè bạn mà là những đối thủ.
|
Hệ quả của cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria
Căng thẳng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu leo thang kể từ sau khi tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24 của Nga gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria với cáo buộc xâm phạm không phận.
Tổng thống Nga ngay lập tức đã gọi vụ việc này là một hành động “đâm sau lưng và đồng lõa với khủng bố” của Thổ Nhĩ Kỳ. Nga đã nhanh chóng áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế đồng thời tăng cường hỏa lực tại Syria với việc triển khai hệ thống phòng không tiến tiến S-400 đến căn cứ không quân Hmeimin ở Latakia.
Tổng thống Nga Putin cũng lên tiếng cáo buộc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan tham gia vào hoạt động kinh doanh xăng dầu bất hợp pháp của IS ở Syria.
Trước khi cuộc quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi, cả ông Erdogan và Putin thường được ví là những người nắm giữ “va li quyền lực” và thường sử dụng những vinh quang của các đế chế đã qua để khơi dậy tinh thần yêu nước.
Nhà phân tích quân sự Alexander Golts nhận định, khả năng leo thang quân sự giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là hoàn toàn có thể xảy ra nếu Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các chiến dịch trên bộ tại Syria.
"Nga sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn, hoặc chấp nhận mất mặt và rút lui ngay lập tức hoặc cũng tiến hành một chiến dịch trên bộ để đáp trả", ông Golts nói.
Khả năng xảy ra cuộc đụng độ quân sự giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến cả Washington và Brussels quan ngại bởi Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO và có thể dựa vào sự hỗ trợ của các thành viên khác nếu có một cuộc tấn công trên đối với đất nước mình, điều này có thể khiến tình hình hiện nay bùng phát thành một cuộc chiến lớn hơn.
"Ngay cả khi chính thức thể hiện sự hỗ trợ đối với Thổ Nhĩ Kỳ, NATO cũng sẽ làm tất những gì có thể để hạn chế Thổ Nhĩ Kỳ có những động thái bất ngờ tại Syria", ông Alexander Golts nhận định.
“Cuộc khủng hoảng ở Syria sẽ có một sự biến đối hoàn toàn mới và ở một mức độ rất nguy hiểm: đối đầu quân sự trực tiếp giữa các quốc gia trong khu vực", ông Nikolai Bordyuzha, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) nói hãng tin Interfax.
"Hậu quả của sự biến đổi như vậy sẽ cực kỳ khó lường".
Trên thực tế, tình hình đối với Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ còn tồi tệ hơn sau khi các cuộc không kích do Nga tiến hành tại khu vực Aleppo đã giúp chế độ Assad và Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria (PYD) củng cố thêm vị thế của mình. Những cuộc không kích này đã cắt đứt đường tiếp tế giữa các nhóm đối lập ở Aleppo và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đồng nghĩa với một thất bại địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hoàn toàn mất kiểm soát ở khu vực gần biên giới của mình và sẽ chỉ còn ba lực lượng là quân đội của chế độ Assad, lực lượng PYD và phiến quân IS. Tất cả đều là đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ. chính vì vậy theo các nhà phân tích, Ankara sẽ không ngần ngại để bảo vệ lợi ích sống còn của mình ở Syria.
Trên thực tế, chỉ có sự can thiệp trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria mới có thể thay đổi cán cân quyền lực ở Syria. Tuy nhiên, nếu xảy ra một kịch bản như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ phải đối đầu với nhau về mặt quân sự và có thể dễ dàng biến thành một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, vượt ngoài tầm kiểm soát.