Đồng thời, thế giới cũng nhận ra rằng ưu tiên số 1 hiện nay là tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Do đó, Tổng thống Assad vẫn còn tại vị ít nhất cho đến khi đánh bại IS ở Syria.
|
Máy bay ném bom chiến trường Su-25 của Nga: Nỗi kinh hoàng của phiến quân IS.
|
Sự thay đổi lập trường gây ấn tượng nhất
Sự thay đổi lập trường gây ấn tượng nhất được thể hiện trong tuyên bố ngày 15/12 tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở Moscow, khi ông này thừa nhận rằng tương lai của Tổng thống Assad sẽ do người dân Syria quyết định.
Đây chính là một sự đảo ngược lập trường trước đó của Mỹ vốn khăng khăng đòi Tổng thống Assad từ chức trước khi tiến hành các cuộc thương lượng về chuyển đổi chính trị ở Syria. Lập trường này đã thay đổi sau khi chiến dịch không kích của Nga đảo ngược cục diện chiến trường Syria.
Nhà phân tích Yezid Sayigh, một cộng sự cao cấp tại Trung tâm Carnegie Trung Đông ở Beirut cho biết: "Với hành động can thiệp quân sự, người Nga về cơ bản đã nói rằng các vị có thể từ chối nói chuyện với Bashar Assad, nhưng điều đó có nghĩa là các vị sẽ không có được một giải pháp chính trị. Nếu muốn làm điều đó, các vị phải làm việc với người đàn ông này”.
Tuy nhiên, vẫn còn bất đồng đáng kể giữa Mỹ và Nga về tương lai của Tổng thống Assad, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power ngày 16/12 nhấn mạnh rằng lập trường của Mỹ về Assad là không thay đổi. Trước Hội nghị quốc tế về Syria tổ chức vào ngày 18/12, bà Samantha Power nói với báo giới: "Sắp diễn ra một quá trình chuyển đổi chính trị và Assad sẽ phải ra đi".
Liên bang Nga, một bên ủng hộ chủ chốt của Tổng thống Assad, đã bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria ngày 30/9, vào một thời điểm cực kỳ quan trọng của cuộc nội chiến Syria, khi các lực lượng của Tổng thống Assad đã bị thua liểng xiểng trên mọi chiến trường.
Trong khi Moscow tuyên bố chiến dịch không kích nhắm mục tiêu nhóm Nhà nước Hồi giáo và các nhóm "khủng bố" khác ở Syria, phần lớn các phi vụ của chiến đấu cơ Nga lại tập trung vào khu vực miền trung và phía bắc nước này, nơi phiến quân IS ít hoặc hầu như không có sự hiện diện.
Chỉ có điều, sau gần 11 tuần không kích dữ dội của chiến đấu cơ Nga, quân đội chính phủ Syria - được hỗ trợ của Hezbollah và Iran - đã không thể giành lại nhiều vùng lãnh thổ ở phía bắc tỉnh Idlib và ở thành phố cổ Palmyra, bị phiến quân IS đánh chiếm hồi mùa hè vừa qua.
Chiến dịch không kích của Nga giúp Assad đảo ngược thế thua
Tuy nhiên, các cuộc không kích của Nga đã giúp phe của Tổng thống Assad ngăn chặn được đà tiến của phiến quân trên nhiều mặt trận và tái chiếm hàng chục ngôi làng ở phía bắc và phía tây Syria.
Chiến thắng lớn nhất của quân đội Syria là giải vây thành công cho căn cứ không quân Kweiras ở gần thành phố Aleppo, một căn cứ đã bị phiến quân bao vây suốt 3 năm qua.
Chiến thắng quan trọng thứ hai là quân đội Syria cũng đã tái một căn cứ không quân gần Damascus bị phiến quân chiếm giữ suốt 3 năm qua và củng cố sự hiện diện quân chính phủ trong một khu vực do đông đảo các lực lượng đối lập kiểm soát.
Chưa hết, ngày 16/12, các lực lượng thân chính phủ Syria đã chiếm giữ một dãy núi chiến lược ở phía tây bắc Syria, nhìn xuống một thành trì quan trọng của phiến quân ở tỉnh ven biển Latakia. Việc tái chiến các dãy núi ở tỉnh Latakia sẽ giảm các mối đe dọa đến các khu vực duyên hải và mở đường cho lực lượng chính phủ để tiến đánh Salma, một thành trì lớn của phe đối lập.
Mặc dù chưa đảo ngược hoàn toàn cục diện chiến trường, nhưng chiến dịch can thiệp quân sự của Nga dường như đã khôi phục thế cân bằng chiến lược từng tồn tại trước khi các nhóm phiến quân chiến thắng như chẻ tre hồi đầu năm nay.
Chiến dịch không kích của Nga quả là một chiếc phao cứu sinh đối với Tổng thống Assad - người hồi tháng 5/2015 đã phải công khai thừa nhận những thất bại nghiêm trọng trên chiến trường và ra lệnh cho quân đội rời bỏ nhiều khu vực rộng lớn ở phía bắc Syria.
Hoãn vấn đề “Assad ra đi hay ở lại”
Phát biểu tại Moscow vào ngày 15/12, Ngoại trưởng Kerry nói rằng Mỹ và các đối tác "không tìm kiếm cái gọi là thay đổi chế độ" và cho biết trọng tâm hiện nay là hỗ trợ tiến trình hòa bình, trong đó "nhân dân Syria sẽ quyết định tương lai của Syria”.
Các thành viên phe đối lập Syria đã chỉ trích nhận xét trên của Ngoại trưởng Kerry và nói rằng điều này phản ánh “sự miễn cưỡng từ lâu” của Mỹ trong việc lật đổ Tổng thống Assad.
Nhà hoạt động đối lập Abu al-Hassan Marea, hiện đang cư trú tại Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syria, đặt câu hỏi: "Làm thế nào có thể tiến hành bầu cử nếu người đàn ông này (Tổng thống Assad) vẫn đang nắm quyền? Trong 50 năm qua, đã không có bầu cử tự do ở Syria".
Ông Aron Lund, một chuyên gia về Syria, cho biết sự can thiệp của Nga đã giúp dẫn đến đàm phán giữa 17 quốc gia về Syria ở Vienna hồi tháng trước, trong đó lần đầu tiên có sự tham dự của Iran.
Kế hoạch hòa bình mà vòng đàm phán này nhất trí không hề đả động đến tương lai của Tổng thống Assad, mà chỉ nói rằng "bầu cử tự do và công bằng" sẽ được tổ chức trong vòng 18 tháng sau khi đại diện của Assad và phe đối lập bắt đầu đàm phán về một hiến pháp mới.
Kế hoạch này phản ánh thực tế rằng Mỹ và Nga phải hợp tác với nhau để chấm dứt cuộc xung đột Syria và về cơ bản, thống nhất trì hoãn vấn đề “Assad đi hay ở lại” trong quá trình chuyển đổi chính trị.