Mỹ vẫn “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương

Google News

(Kiến Thức) – Chính phủ Mỹ vẫn ưu tiên chiến lược “tái cân bằng” ở  châu Á-Thái Bình Dương và cam kết bảo vệ các đồng minh trong khu vực.

 Cố vấn An ninh Quốc gia Thomas Donilon: Mỹ vẫn ưu tiên chiến lược "tái cân bằng" châu Á-Thái Bình Dương.

Trong bài phát biểu chính sách tại Asia Society ở New York ngày 11/3, Cố vấn An ninh Quốc gia Thomas Donilon đã cung cấp một cái nhìn tổng quát về chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh rằng chiến lược “tái cân bằng”  - đôi khi được gọi là “xoay trục” - phải toàn diện, tập trung sự quan tâm về vai trò kinh tế của Washington ở khu vực tương đương với vai trò quân sự.

Công bố biện pháp trừng phạt Triều Tiên, cam kết bảo vệ Nhật-Hàn

Cố vấn An ninh Quốc gia Donilon, phụ tá gần gũi nhất của Tổng thống Barack Obama về chính sách đối ngoại, cũng công bố các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên, một động thái mà một số nhà phân tích cho rằng có thể làm cho giao dịch thương mại của các nước thứ ba với Triều Tiên trở nên khó khăn hơn. Ông cũng nói rõ rằng  Washington sẽ đáp trả bằng vũ  lực bất kỳ hành động hiếu chiến nào của Bình Nhưỡng. Ông Donilon khẳng định Mỹ sẽ sử dụng toàn bộ sức mạnh của mình để bảo vệ các đồng minh khu vực và đối phó với mọi nguy cơ từ phía Triều Tiên.

Cố vấn An ninh Quốc gia Thomas Donilon tái khẳng định mục tiêu di chuyển 60% tàu chiến của Hải quân Mỹ đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020 và mở rộng hệ thống radar-tên lửa phòng thủ để bảo vệ các đồng minh của Mỹ trước “hành vi nguy hiểm, gây mất ổn định của Bắc Triều Tiên”. Ông nói: “ Tổng thống Obama đã nêu rõ rằng chúng ta sẽ duy trì sự hiện diện an ninh và sự can dự của chúng ta ở  khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Bài phát biểu ngày 11/3 của ông Donilon nhằm mục đích xua tan nghi ngờ về ưu tiên châu Á-Thái Bình Dương trong chiến lược toàn cầu của Mỹ

Ông Donilon lưu ý rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là một trong các nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Nhà Trắng trong năm nay và thông báo tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye sẽ đến Washington để hội đàm vào tháng 5 tới.  Ông cho biết Tổng thống Obama quả quyết rằng hàng năm,  Mỹ sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở cấp nguyên thủ quốc gia.

Cảnh báo Trung Quốc về tin tặc

Cố vấn An ninh Quốc gia Thomas Donilon ca ngợi sự hợp tác của Bắc Kinh tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên, nước phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào Trung Quốc về  cung cấp nhiên liệu và các loại hàng hóa cơ bản khác. Cho rằng Washington cần phải hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh trong việc đối phó với Bình Nhưỡng, ông Donilon nhấn mạnh “không một quốc gia, kể cả Trung Quốc, nên tiến hành kinh doanh bình thường với một nước Triều Tiên đang đe dọa các nước láng giềng”.

Đồng thời, ông Donilon cũng kêu gọi Trung Quốc tăng cường đối thoại quân sự song phương với Mỹ và tiến hành “các biện pháp nghiêm túc” để chấm dứt tình trạng tin tặc đột nhập vào mạng máy tính của chính phủ và của các doanh nghiệp tư nhân Mỹ - điều mà ông nói  rằng “đã trở thành mối quan tâm then chốt và trọng tâm thảo luận của Mỹ với Trung Quốc, ở tất cả các cấp độ”.

Cố vấn An ninh Quốc gia Tom Donilon cho rằng các vụ tin tặc xuất xứ từ Trung Quốc không chỉ là một mối quan ngại về an ninh quốc gia mà còn cả về kinh tế. Ông Donilon nói rằng chính phủ Trung Quốc phải thừa nhận mức độ nghiêm trọng của vấn đề,  tiến hành các biện pháp nghiêm túc để điều tra và ngăn chặn việc đánh cắp thông tin cũng như thảo luận với phía Mỹ về an ninh mạng. Đây là lần đầu tiên, một quan chức Mỹ cao cấp cáo buộc đích danh Trung Quốc đã thực hiện các vụ tấn công trên mạng “với qui mô chưa từng có”.

Tháng trước, công ty an ninh mạng Mandiant đã cáo buộc quân đội Trung Quốc đánh cắp một số lượng lớn dữ liệu của khoảng 150 công ty và tổ chức của Mỹ. Một số nhà lập pháp Mỹ ước tính rằng các công ty Mỹ đã thiệt hại hơn 300 tỷ USD trong năm ngoái vì tình trạng đánh cắp bí mật thương mại và phần lớn trong số đó là do bị các gián điệp mạng Trung Quốc gây ra.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á

Cố vấn An ninh Quốc gia Thomas Donilon cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á trong nỗ lực “tái cân bằng” của  Mỹ và coi  Ấn Độ là một phần không thể thiếu  của chiến lược đó.

Ông tuyên bố: “Mỹ  không chỉ tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà đang tái cân bằng ở khu vực châu Á để công nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi nhận thấy rằng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á là chưa thỏa đáng và chúng tôi đang sửa chữa điều này”.  Ông Donilon cho rằng giống như Ấn Độ, Indonesia là một “đối tác toàn cầu” tiềm năng của Mỹ.

Trong khi làm rõ chiến lược “tái cân bằng” ở châu Á, Cố vấn An ninh Quốc gia Thomas Donilon nhấn mạnh rằng chiến lược “tái cân bằng” này không có nghĩa là “giảm bớt các mối quan hệ với các đối tác quan trọng ở  bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới” và nó cũng không có nghĩa là “kiềm chế Trung Quốc hoặc tìm cách ra điều kiện với châu Á”.  Ông cũng khẳng định “tái cân bằng” không phải chỉ là vấn đề hiện diện quân sự và nhấn mạnh tầm quan trọng của liên kết kinh tế, đặc biệt là thông qua quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Lê Chân (theo Asia Times Online)

Bình luận(0)