Lý do Mỹ không “xoay trục” sang châu Âu... vẫn “bám” TQ?

Google News

(Kiến Thức) - Việc tân Ngoại trưởng Kerry chọn châu Âu cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên dẫn đến đồn đoán Mỹ “bỏ qua” Trung Quốc và “xoay trục” sang châu Âu.

 Cụm tàu sân bay tấn công USS George Washington.

Những lời đồn đoán này xem ra không phải là không có cơ sở, khi chiến lược “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương vấp phải một số chỉ trích ở trong nước.

Anne-Marie Slaughter, phụ trách Văn phòng hoạch định chính sách ngoại giao (từ năm 2009-2011) trực thuộc Bộ Ngoại Mỹ ca ngợi “Thế kỷ Đại Tây Dương đang đến gần”. Viết cho tờ The New Republic của Viện Brooking, học giả William Galston hoan nghênh sự “xoay trục sang châu Âu” của Tổng thống Obama và yêu cầu “bỏ qua” Trung Quốc.

Theo học giả James R. Holmes, tác giả bài viết này, có 4 lý do khiến chính quyền Obama nhiệm kỳ 2 không thể  “bỏ qua” Trung Quốc và “xoay trục” sang châu Âu.

1. Xoay trục sang châu Âu: Nhầm lẫn về địa chính trị

Một cách hiểu sai lầm về “xoay trục” sang châu Á đồng nghĩa với việc Mỹ  quay lưng lại với châu Âu. Hoàn toàn không phải như vậy. Hải quân Mỹ có căn cứ ở Đại Tây Dương khi di chuyển đến miền Tây Ấn Độ Dương và Vịnh Ba Tư đều đi qua các vùng biển Địa Trung Hải và Hồng Hải, dọc theo phía Nam châu Âu. “Xoay trục” sang sang châu Á có thể có nghĩa là nhìn qua châu Âu chứ không phải “bỏ rơi” châu lục này.

2. Châu Âu không có mối đe dọa quân sự nghiêm trọng

Chiến lược của Mỹ đối với châu Âu là khác với chiến lược của Mỹ đối với châu Á. “Xoay trục” sang châu Á phần lớn là hoạt động quân sự. Điều này  hầu như không hề làm suy giảm mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Đó chỉ là một sự chuyển ưu tiên về quân sự do châu Âu không phải đối mặt với  mối đe dọa quân sự nghiêm trọng nào và Đại Tây Dương là một vùng biển tương đối yên bình. Quân đội Mỹ có thể tập trung lực lượng ở Thái Bình Dương và không khiến cho châu Âu gặp phải nhiều rủi ro. Hải quân Mỹ sẽ làm gì nếu tập trung lực lượng ở châu Âu? Có phải để tấn công cướp biển ở Vịnh Guinea?

3. Châu Âu đủ sức kiểm  soát môi trường xung quanh


Liên minh châu Âu có dân số đông hơn và có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) còn lớn hơn cả Mỹ. Đã đến lúc châu Âu phải gánh chịu trách nhiệm đối với môi trường xung quanh và sử dụng một số nguồn lực để xây dựng lực lượng vũ trang đủ mạnh. Theodore và Franklin Roosevelt vốn cho rằng  châu Âu đủ sức đảm nhận vai trò cảnh sát quốc tế. Châu Âu cần phát triển năng lực quản lý đối với các khu vực lân cận, không cần phải dựa dẫm vào Mỹ. “Xoay trục” trở lại châu Âu có thể tước bỏ cái quyền tự định đoạt số phận của Liên minh châu Âu.

4. Người châu Á sẽ nghĩ gì nếu Mỹ “xoay trục”về châu Âu?

Chiến lược “xoay trục” của  Washington là một công việc khá khiêm tốn, tương đương với việc chuyển đổi địa bàn hoạt động của khoảng 20 tàu chiến trong vòng 7 năm sắp tới. Ngăn chặn hoặc đảo ngược quá trình này sẽ phát đi một tín hiệu chẳng lành đối với một số nước châu Á, buộc các nước này phải dàn hòa theo những điều kiện mà Trung Quốc áp đặt.

Phân bổ đồng đều các lực lượng quân đội Mỹ cho các khu vực an toàn và có nguy cơ mất an toàn là hành động thiếu khôn ngoan. “Xoay trục” sang châu Âu sẽ khiến cho Washington mất chỗ đứng ở khu vực Đông Á năng động và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nước Mỹ.  

Chính vì vậy, học giả James R. Holmes cho rằng chính quyền Obama nên tiếp tục theo đuổi chiến lược “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lê Chân (theo The Diplomat)

Bình luận(0)