Mỹ, Trung ra sức ve vãn Indonesia

Google News

Mỹ và Trung Quốc đang ra sức chèo kéo Indonesia, có lẽ vì nước này giữ vai trò quan trọng trên cương vị cường quốc khu vực.

 Tổng thống Obama và Tổng thống Indonesia Susilo Yudhoyono.

Mỹ đang tăng cường quan hệ đối tác với Indonesia qua việc cam kết bảo vệ vùng biển Ðông Nam Á chống lại các hiểm hoạ đề ra bởi nạn khủng bố, hải tặc và các căng thẳng lãnh hải vừa nhen nhúm trở lại. Trung Quốc cũng đang xây dựng sự hiện diện hàng hải trong khu vực. Theo thông tín viên VOA Sara Schonhardt ở Jakarta,  cả hai nước đang ra sức chèo kéo Indonesia.

Một số trong các tuyến hàng hải sinh động nhất của thế giới đi ngang qua Indonesia, một quốc gia gồm hơn 17 ngàn hòn đảo. Với hàng tỷ USD kim ngạch thương mại lưu chuyển qua lãnh hải mỗi năm, các giới chức Hoa Kỳ nói rằng Indonesia là chìa khoá trong việc duy trì hoà bình và ổn định khu vực.

Trong khuôn khổ chính sách “xoay trục” hướng đến châu Á-Thái Bình Dương được Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta loan báo hồi tháng 6 năm ngoái, Mỹ tìm cách tăng cường quan hệ hợp tác với Indonesia trong nhiều lĩnh vực, kể cả an ninh hàng hải. Mục tiêu là cùng với các liên minh trong khu vực chống lại các hiểm hoạ chung như xung đột ở Biển Ðông, hải tặc, thiên tai,  khủng bố và phổ biến vũ khí giết người hàng loạt… Mỹ đã tiến hành các cuộc luyện tập chống hải tặc và tăng cường các kỹ thuật tác chiến. Các cuộc thao diễn đã tăng lên đáng kể sau khi Mỹ nối lại quan hệ quân sự với Indonesia vào năm 2005.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng mở rộng quan hệ thương mại và quốc phòng với Indonesia. Giới truyền thông Indonesia loan tin mới đây Trung Quốc đã bán các tên lửa  C-705 để trang bị cho hơn một chục chiến hạm của Indonesia. Hai nước cũng sẵn sàng ký một hợp đồng chuyển nhượng kỹ thuật giúp Indonesia sản xuất tên lửa trong nước.

Sự tăng cường hợp tác nói trên diễn ra vào lúc tranh chấp gia tăng giữa Trung Quốc và một số nước thành viên ASEAN. Bốn trong số 10 thành viên của ASEAN tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, trong khi Trung Quốc lại đòi chủ quyền hầu như toàn bộ vùng biển này.

Indonesia không đòi chủ quyền phần nào trong lãnh hải đang có tranh chấp và trong quá khứ, đã đóng một vai trò chủ chốt như một nhà hòa giải  tranh chấp. Nhưng, sau khi không đạt được một thoả thuận nào cụ thể về Biển Ðông trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN mới đây nhất, có một số nhà phân tích lo ngại rằng tranh chấp Biển Đông có thể trở thành một cuộc chiến giành ảnh hưởng trong khu vực, gây hại cho tình đoàn kết ASEAN, bất chấp các nỗ lực trung gian hòa giải của  Indonesia.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

TIN LIÊN QUAN:


Lê Chân

Bình luận(0)