Mỹ có kế hoạch tiến hành chiến dịch quân sự ở Philippines chống các phần tử Hồi giáo cực đoan tuyên bố trung thành với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Trong chiến dịch này, Không quân Mỹ có ý định dùng UAV không kích phiến quân Philippines thân IS.
|
Máy bay không người lái (UAV) Pretador của Mỹ phóng tên lửa vào mục tiêu. Ảnh: Drone Wars UK |
Washington chia sẻ thông tin tình báo với Manila trong vòng 15 năm qua. Theo thỏa thuận liên chính phủ, trên các đảo có một số đơn vị quân đội Mỹ giúp chính quyền địa phương trong cuộc chiến chống phiến quân.
Trước đây, Mỹ đã cung cấp cho Philippines 992 quả tên lửa và hai máy bay giám sát Cessna 208B để giúp Manila trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Lầu Năm Góc có kế hoạch chuyển giao cho Philippines vài trăm súng phóng lựu. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Mỹ lên kế hoạch thực hiện một chiến dịch không quân quy mô lớn.
Cuộc chiến máy bay không người lái (UAV) theo kiểu Mỹ có thể dẫn đến những hậu quả không thể đoán trước được, bởi vì số người dân chết trong vụ tấn công bằng UAV là nhiều gấp 10 lần so với vụ không kích bằng máy bay có người lái.
Hậu quả tai hại nhất
Về mặt chiến thuật, lãnh thổ rộng lớn của quốc đảo (bảy nghìn đảo — khoảng 300 nghìn cây số vuông) dễ được kiểm soát từ trên không. Tuy nhiên, những chiếc UAV tấn công của Mỹ không phải lúc nào cũng phân biệt được đâu là các tay súng phiến quân và đâu là thường dân. Trường nhìn của hệ thống quang điện chưa có khả năng nhận dạng các đối tượng với độ chính xác cao. Vì thế vẫn có nguy cơ tấn công vào thường dân, xe hơi hay nhà cửa bị hệ thống quang điện nhận dạng nhầm là đối tượng của đối phương.
Có chú ý đến mật độ dân số cao (dân số Philippines hơn 100 triệu người), những vụ khủng bố bắt cóc con tin, và khả năng ngụy trang rất sâu trong rừng rậm nhiệt đới, các chuyên gia dự đoán thương vong không thể tránh khỏi trong số những người Philippines không liên quan đến chủ nghĩa khủng bố.
Vũ khí chính trên các UAV của Mỹ là tên lửa có điều khiển AGM-114 Hellfire với đầu đạn phân mảnh hoặc dùng thuốc nổ mạnh. Vụ tấn công bằng đạn phân mảnh nặng 8 kg vào một khu dân cư có sức phá hoại rất lớn và gây ảnh hưởng đến dân thường.
Các chiến dịch quân sự gây cảnh bi kịch ở Somalia, Libya và Yemen đã cho thấy rõ nhược điểm chính trong công nghệ UAV.
Khái niệm sử dụng UAV trong các chiến dịch quân sự cần phải được cải thiện nghiêm trọng, và mối đe dọa khủng bố ở Philippines tạo khả năng thử nghiệm các phương pháp mới.
Có những e ngại rằng sự trợ giúp của Mỹ dành cho Manila có thể gây thiệt hại lớn, thậm chí còn lớn hơn so với hành động của các chiến binh Hồi giáo cực đoan. Chỉ riêng trong năm ngoái, Mỹ đã ném hơn 26.000 quả bom xuống lãnh thổ của 7 quốc gia. Thông tin về hàng nghìn vụ không kích ở Afghanistan, Iraq, Syria và một số nước châu Phi chưa được công bố hoặc không được báo cáo. Có nhiều trường hợp Không quân Mỹ phạm sai lầm bi thảm khi sử dụng chiến thuật truyền thống của họ. Không rõ ai chịu trách nhiệm về hệ thống điều khiển máy bay không người lái từ xa.
Dân thường chết oan
Mỹ lần đầu tiên sử dụng những chiếc UAV trong chiến dịch quân sự chống Taliban ở Afghanistan sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001. Trong 15 năm qua, Lầu Năm Góc đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa khủng bố, đã mở rộng địa lý sử dụng những chiếc UAV tấn công và vũ khí chính xác cao giúp bảo vệ phi công và, như họ nói, cho phép tiêu diệt các tay súng đồng thời gây thiệt hại tối thiểu cho dân thường.
Tuy nhiên, kết quả phân tích cho thấy rằng, hoạt động của các máy bay không người lái không mang lại hiệu quả cao. Ví dụ, UAV MQ-1 Predator phóng 100 quả tên lửa, chỉ 17 quả trúng mục tiêu. Đặc biệt là, khi tiêu diệt 10 mục tiêu (tức là 10 tay súng phiến quân), có khoảng 700 dân thường thiệt mạng.
Cựu chuyên viên điều khiển máy bay không người lái của Không quân Mỹ Brandon Bryant cho biết rằng, do thiếu thông tin, các chuyên gia điều khiển UAV thường không biết họ đang tiêu diệt mục tiêu nào. Chính quyền Hoa Kỳ thừa nhận khả năng thương vong dân thường, nhưng cố ý hạ thấp số người chết do các vụ tấn công bằng UAV.