Về khả năng Mỹ có thể ngăn cản Triều Tiên, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice nói: "Chắc chắn chúng ta phải thực hiện mọi bước đi phù hợp để giảm thiểu và loại bỏ mối đe dọa này. Và chắc chắn có thể có trường hợp trong đó chiến tranh là cần thiết, bao gồm cả một cuộc tấn công đang hoặc sắp xảy ra nhằm vào đất nước của chúng ta hoặc các đồng minh của chúng ta. Nhưng không cần thiết phải có chiến tranh, bất chấp một số điều mà chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như đã kết luận".
|
Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice. Ảnh: RedWireNews.com |
Giải thích cho luận điểm này, bà Rice viện dẫn 4 nguyên do sau:
Thứ nhất, Bình Nhưỡng hiện có thể phóng tới lãnh thổ Mỹ một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Thách thức đặt ra ở đây là phải đảm bảo rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ thử làm điều đó. Theo hầu hết các đánh giá, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không phải là người không có lý trí. Do đó, trong khi vẫn lặng lẽ tinh chỉnh các phương án quân sự của mình, Mỹ có thể vận dụng cách răn đe truyền thống, đó là làm rõ rằng bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào nhằm vào Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ sẽ dẫn tới hủy diệt Triều Tiên.
Thứ hai, để tránh bị "sa lầy" trong một cuộc chiến tranh hao tiền tốn của, Mỹ cần phải ngừng ngay lập tức những lời lẽ thiếu thận trọng.
Thứ ba, Mỹ phải tăng cường hệ thống chống tên lửa và các hệ thống phòng thủ khác của Mỹ, cũng như của các đồng minh của Mỹ, vốn dĩ cần có sự đảm bảo của Mỹ hơn bao giờ hết.
Thứ tư, Mỹ phải tiếp tục tăng cường hành động buộc Triều Tiên trả giá về việc nước này duy trì các chương trình hạt nhân như gia tăng các biện pháp trừng phạt, tăng sự cô lập chính trị đối với Bình Nhưỡng.
Cuối cùng, Mỹ phải bắt đầu đối thoại với Trung Quốc về việc tăng cường nỗ lực và những diễn biến bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên, cũng như khôi phục con đường ngoại giao để thử nghiệm các thỏa thuận đàm phán tiềm năng có thể hạn chế hoặc loại bỏ một cách khả thi kho vũ khí của Triều Tiên.