Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) gần đây của Triều Tiên đã đẩy chính quyền Mỹ vào tình thế khó khăn.
|
Tổng thống Mỹ Donnald Trump vô cùng khó xử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Daily Express |
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dao động giữa các biện pháp ngoại giao và quân sự để đối phó với hiểm họa từ chương trình tên lửa-hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Đối với Mỹ, cách dễ nhất là nhờ Trung Quốc làm hộ việc kiềm chế chương trình tên lửa-hạt nhân của Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã cùng nhau hô vang cùng một câu thần chú: Vấn đề sẽ được giải quyết nếu Trung Quốc gây nhiều áp lực hơn nữa đối với CHDCND Triều Tiên.
Thật không may, tư duy ngây thơ này được dựa trên một số ngộ nhận sai lầm.
Thứ nhất, không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc có thể ép buộc Triều Tiên làm theo ý muốn của mình. Hai nước không phải là bạn thân của nhau và quan hệ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-unm lại khá trục trặc. Hai người này đã không hề gặp nhau một lần nào, kể từ khi cùng lên nắm quyền trong năm 2012.
Trung Quốc đã ủng hộ một nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án CHDCND Triều Tiên, nhưng không thể ngăn cản ban lãnh đạo ở Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa liên lục địa. Triều Tiên không phát triển các công nghệ có tính chất sống còn này vì lợi ích của Trung Quốc và tin rằng cần phải có khả năng tấn công hạt nhân để buộc Mỹ nói chuyện một cách nghiêm túc.
Cho đến nay, các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên cũng không thành công. Phản ứng của Mỹ là yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp dụng thêm nhiều biện pháp trừng phạt Triều tiên. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảm thấy Trung Quốc không gây sức ép đầy đủ đối với Triều Tiên.
Việc phong tỏa dẫn đến làm sụp đổ nền kinh tế Triều Tiên theo quan điểm của Mỹ rõ ràng là “không thể chấp nhận được” theo quan điểm của Trung Quốc. Suy thoái kinh tế ở Triều Tiên sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo và Bắc Kinh sẽ phải đối phó với làn sóng người tị nạ khổng lồ tràn vào khu vực đông bắc Trung Quốc.
Cách tiếp cận cứng rắn khác được cựu Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld là đánh đòn phủ đầu Quân đội Nhân dân Triều Tiên, trước khi Bình Nhưỡng có thể tấn công Seoul và xa hơn nữa.
Tuy nhiên, chẳng có gì đảm bảo rằng đòn phủ đầu bằng ném bom rải thảm và tên lửa hành trình có thể xóa sổ hoàn toàn Lực lượng pháo binh cực kỳ hùng hậu của Triều Tiên. Hậu quả là thủ đô Seoul và các khu vực khác của Hàn Quốc sẽ bị tàn phá nặng nề trước đòn giáng trả của Quân đội Triều Tiên. Đó là chưa kể sinh mang của 30.000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Có một cách tiếp cận hợp lý hơn mà ngày càng có nhiều nhà bình luận và các nhà quan sát chính sách đối ngoại cho rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump nên cân nhắc: đó là tiến hành đàm phán với ban lãnh đạo Triều Tiên mà không đưa ra các điều kiện tiên quyết.
Ban lãnh đạo Triều Tiên lo sợ Mỹ tấn công và biết chắc rằng Bắc Kinh không thể (và cũng không muốn) làm thay Washington trong việc gây sức ép với Bình Nhưỡng. Ban lãnh đạo Triều Tiên muốn đối thoại trực tiếp với Mỹ và không coi Trung Quốc là một nhà trung gian hòa giải đáng tin cậy.
Để thúc ép Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa-hạt nhân, các chính quyền Mỹ kế tiếp nhau đã tăng cường các biện pháp trừng phạt và luôn kêu gọi Bắc Kinh giúp đỡ.
Trong 16 năm qua, kể từ khi chính quyền của Tổng thống Clinton mãn nhiệm, Washington và Bình Nhưỡng đã không hề có tiến bộ nào trong việc đạt được một sự hiểu biết chung. Bên này cáo buộc bên kia có mưu đồ và hành động xấu xa. Mỹ đe dọa sẽ trừng phạt nhiều hơn, còn Triều Tiên thì thử nghiệm hạt nhân-tên lửa với mật độ dày đặc hơn, lớn hơn và có tầm bắn ngày càng xa hơn.
Chu kỳ đối đầu bất tận này không dẫn đến bất kỳ kết quả khả quan nào trong việc kiềm chế chương trình tên lửa-hạt nhân của Triều Tiên và giải pháp quân sự đánh đòn phủ đầu chỉ là hạ sách, với những hậu quả khôn lường.
Vậy thì tại sao Washington không thể mềm mỏng hơn đôi chút và thể hiện sự sẵn sàng thương lượng với Bình Nhưỡng mà đưa ra điều kiện tiên quyết?