Đó là nhận định của giáo sư Richard Javad Heydarian, một học giả có uy tín ở Philippines, trong bài viết đăng trên tạp chí Mỹ The National Interest ngày 28/12/2016.
Theo học giả Heydarian, năm 2016 là năm bước ngoặt trong quan hệ Mỹ-Philippines, đặc biệt liên quan đến đối đầu Trung-Mỹ tại Biển Đông.
|
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh Philstar |
Trọng tâm của cơn chấn động địa chính trị này là Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã nhiều lần đe dọa sẽ chấm dứt liên minh quân sự hàng thế kỷ với Mỹ. Những bất đồng Mỹ-Philippines về "cuộc chiến chống ma túy" của Tổng thống Duterte đã gây ra rạn nứt sâu sắc trong quan hệ giữa Washington và Manila.
Tổng thống Duterte tỏ ra không khoan nhượng trong chiến dịch chống ma túy, một vấn nạn ngày càng trầm trọng ở Philippines. Khi Washington đe dọa cắt gói viện trợ 433 triệu USD do "những quan ngại về pháp quyền và tự do dân sự ở Philippines", đương kim Tổng thống Philippines chỉ nhún vai và nói rằng nước ông "sẽ không bị đói, khi không có viện trợ Mỹ". Ông Duterte còn tuyên bố rằng Trung Quốc sẵn sàng làm nhiều hơn để lấp đầy “lỗ hổng viện trợ Mỹ”.
Thay đổi cảnh quan địa chính trị trong khu vực
Chỉ có điều, việc Philippines sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào "con bài Trung Quốc" đã bắt đầu tái định hình cảnh quan địa chính trị trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông.
Tổng thống Duterte công khai tuyên bố rằng trong "trò chơi chính trị” hiện nay, ông sẽ gạt sang một bên phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài quốc tế ở La Haye. Tuyên bố đó đánh dấu đỉnh cao của sự dan díu kéo dài hàng tháng giữa Manila và Bắc Kinh, kể từ khi ông Duterte nhậm chức Tổng thống Philippines vào ngày 30/6/2016.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Duterte, Philippines ngay lập tức hạ thấp tầm quan trọng của phán quyết của Tòa trọng tài, gọi tranh chấp Biển Đông là vấn đề song phương thuần túy và chọn phương án đối thoại chứ không đối đầu với Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc tỷ phú Donald Trump bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11/2016 đã tạo ra một xung lực mới vào bức tranh khu vực. Chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn chống lại sự quyết đoán trên biển của Trung Quốc. Tại Manila, người ta kỳ vọng rằng quan hệ Mỹ-Philippines sẽ được cải thiện dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Những bất ngờ trong tháng Mười
Trong tháng 10/2016, chưa đầy 100 ngày nhậm chức tổng thống Philippines, ông Duterte đã thăm chính thức Trung Quốc, hứa hẹn sẽ “chia tay” với Mỹ để gia nhập "dòng chảy ý thức hệ" với Trung Quốc và vứt bỏ phán quyết Biển Đông của Tòa trọng tài vào thùng rác của lịch sử.
Tự tin về sự ủng hộ của Trung Quốc, nhà lãnh đạo Philippines Duterte đã đưa ra những lời lăng mạ Tổng thống Mỹ Barack Obama. Philippines và Trung Quốc đang đàm phán về một thỏa thuận quân sự lâu dài, trong khi Tổng thống Duterte hạ cấp hợp tác quân sự với Mỹ.
Tổng thống Duterte sẽ không từ bỏ hoàn toàn liên minh hàng thế kỷ tuổi với Mỹ, nhưng ông có thể hạ cấp một số khía cạnh hợp tác quân sự song phương để đổi lấy các mối quan hệ được cải thiện với Trung Quốc.
Những diễn biến mới nhất cho thấy sẽ không có việc tuần tra chung Mỹ-Philippines ở Biển Đông, không có các cuộc tập trận chung như Phiblex và Carat. Số phận của cuộc tập trận chung lớn Mỹ-Philippines mang tên Balikatan (Vai kề vai) hiện đang ở trong tình trạng lấp lửng.
“Tọa sơn quan hổ đấu”
Tuy nhiên, với việc tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, liên minh Mỹ-Philippines có cơ hội được hồi phục.
Tổng thống Duterte đã nhiều lần bày tỏ vui mừng trước việc tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Kể từ chiến thắng gây sốc của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầu tháng 11/2016, Tổng thống Duterte đã nói những điều tích cực về đối tác Mỹ, nhưng vẫn duy trì những lời lăng mạ độc địa nhắm vào chính quyền Obama. Ông Duterte từng nói nếu Tổng thống Obama “biến mất” thì sau đó ông “sẽ bắt đầu đánh giá lại” quan hệ song phương Philippines-Mỹ).
Tổng thống Duterte cũng bày tỏ rằng ông thích Donald Trump vì giữa hai người có nhiều điểm tương đồng và “những người giống nhau thường tìm đến với nhau”.
Ban lãnh đạo ở Manila lạc quan tin tưởng rằng Tổng thống Mỹ kế nhiệm ông Obama có thể gạt sang một bên những tranh cãi gần đây trong quan hệ song phương để phục vụ cho kỷ nguyên mới thực dụng hơn và cơ bắp hơn của Mỹ ở châu Á.
Ít nhất, có ba yếu tố khiến cho Tổng thống Duterte cảm thấy lạc quan về nước Mỹ dưới thời Donald Trump.
Trên hết, chính quyền Duterte hy vọng Tổng thống Mỹ kế nhiệm ông Obama là một người thực dụng, biết đặt những lợi ích chiến lược lên trên cái gọi là nhân quyền và dân chủ. Sau cuộc trò chuyện điện thoại thân mật đáng ngạc với Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump, Tổng thống Duterte nói rằng đối tác mới ở Mỹ thậm chí còn ủng hộ cuộc chiến chống ma túy của ông.
Ngoài ra, Tổng thống Duterte cũng hy vọng Mỹ sẽ áp dụng cách tiếp cận đơn phương mạnh mẽ hơn trong tranh chấp ở Biển Đông. Không giống như chính quyền Obama, Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump dự kiến sẽ theo đuổi chính sách "hòa bình thông qua sức mạnh" dưới thời Tổng thống Reagan.
Trong tính toán của Tổng thống Duterte, điều này có nghĩa là Philippines có thể đứng ngoài các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và để cho hai siêu cường trực tiếp đối đầu với nhau trên các đại dương. Về mặt lý thuyết, điều này sẽ cho phép Tổng thống Duterte duy trì mối quan hệ cân bằng với cả hai siêu cường, trong khi tạo điều kiện cho Manila có không gian cơ động.
Theo quan điểm của Tổng thống Duterte, Philippines nên đứng ngoài các cuộc đụng độ giữa “hai gã khổng lồ” và cần chú trọng đến lợi ích quốc gia hạn hẹp của chính mình.