Trong 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa từng ra lệnh tiến hành bất kỳ một cuộc tuần tra vì tự do hàng hải tại Biển Đông, nơi Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền tới 80% tổng diện tích. Thực tế này đi ngược với những chỉ trích của Donald Trump, khi còn là ứng viên tổng thống, cho rằng chính quyền Obama thiếu cương quyết trước hành động bành trướng của Trung Quốc.
Một số quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định kể từ khi ông Donald Trump trở thành tổng thống, chưa có bất kỳ chuyến tuần tra nào được tiến hành trong khu vực 12 hải lý xung quanh một số các đảo có tranh chấp tại Biển Đông.
|
Tàu chiến Mỹ tuần tra trên biển. Ảnh: The National Interest |
Cách đây mấy tuần, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã yêu cầu cho phép tiến hành hoạt động bảo vệ tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý của bãi cạn Scarborough mà cả Manila lẫn Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền. Bộ Quốc phòng Mỹ đã chối bỏ yêu cầu này, giống như Lầu Năm Góc từng làm với các yêu cầu của Hải quân Mỹ hồi tháng Hai.
Theo báo New York Times.Các yêu cầu tuần tra Biển Đông của Hải quân Mỹ đã bị Lầu Năm Góc từ chối, không chuyển đến Nhà Trắng.
Mặc dù đã có những dấu hiệu rõ ràng về việc Trung Quốc bành trướng và quân sự hoá ở Biển Đông trong nhiều năm liền, nhưng cựu Tổng thống Barack Obama đã không cho phép tiến hành bất kỳ hoạt động tự do hàng hải nào trên Biển Đông, trước tháng 9/2015. Nhiều đề nghị tuần tra của Hải quân Mỹ trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo có tranh chấp tại Biển Đông vẫn thường xuyên bị từ chối. Chính quyền Obama từng bị đảng Cộng hòa chỉ trích vì cái tội đã tạm ngừng trong vòng hơn 2 năm các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải tại Biển Đông do e ngại leo thang căng thẳng với Bắc Kinh.
Sau đó, Mỹ đã đem các tàu chiến thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông 4 lần, nhưng trong suốt 100 ngày đầu của chính quyền Trump, Mỹ vẫn chưa gây áp lực đối với Trung Quốc trên biển.
Hồi giữa tháng 2/2017, Hải quân Mỹ và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) đã muốn tăng tần suất các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.
Các quan chức Mỹ nói với CNN rằng dường như cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên đã làm thay đổi những quan điểm trước đây của chính quyền Trump về Trung Quốc. Quyết định không phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông được cho là chiều theo ý Bắc Kinh, tìm sự ủng hộ của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Từ ba tháng nay, Bình Nhưỡng không ngừng gia tăng các hành động thách thức khi cho tiến hành 6 vụ thử tên lửa kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống.
Ông Trump cũng đã rút lại tuyên bố trước đây về việc trừng phạt Trung Quốc vì những hành vi thương mại bất công để thuyết phục Bắc Kinh hợp tác trong việc trừng phạt Bình Nhưỡng.
Hồi tháng Ba năm ngoái, ứng viên tổng thống Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc xây dựng "pháo đài quân sự" ở Biển Đông, "những thứ mà thế giới chưa từng thấy". Ông nói thêm: "Họ làm điều đó vì họ không tôn trọng tổng thống và đất nước chúng ta”. Khẩu hiệu đó hiện đã phai mờ.
Chính quyền Trump lập luận: "Triều Tiên là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất trên thế giới" và các vấn đề trong quá khứ, chẳng hạn như Biển Đông, có thể được lui về phía sau trong thứ tự ưu tiên của Mỹ.
Lầu Năm Góc nói với CNN rằng Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tự do hàng hải, nhưng "hoạt động đó sẽ được công bố công khai trong báo cáo FONOPs hàng năm và không sớm hơn”.
Kể từ tháng 12/2016, giới phân tích đã phát hiện Bắc Kinh quân sự hóa qui mô lớn ở quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa, tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp.