Bi kịch của người Kurd cả ở Iraq lẫn Syria là họ đã từ những chiến binh dũng cảm nhất trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo trở thành những kẻ lợi dụng tình trạng hỗn loạn để theo đuổi mưu đồ độc lập và vi phạm chủ quyền quốc gia của cả hai quốc gia nói trên. Làm như vậy, người Kurd đang khiến cho cả chính phủ Syria lẫn chính phủ Iraq chán ghét và không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
|
Các lực lượng Iraq tiến về thành phố Kirkuk. Ảnh: Haaretz |
Trong trường hợp của người Kurd ở Iraq, họ đã được hưởng tình trạng tự trị thực tế kể từ khi liên minh Anh-Mỹ lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein trong cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Sau đó là sự chiếm đóng của liên quân dẫn đến cuộc nội chiến tàn bạo và đẫm máu, giúp al-Qaeda ở Iraq (AQI) - tiền thân của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo – trỗi dậy mạnh mẽ.
Trong suốt thời gian đó, Masoud Barzani đã điều hành chính quyền Khu tự trị Kurdistan (KRG) từ thành phố Erbil, với sự ủng hộ ngầm của phương Tây, đặc biệt là của các công ty dầu khí đa quốc gia.
Trong vài năm trở lại đây, kể từ khi phiến quân IS đánh chiếm thành phố Mosul trong năm 2014, KRG đã thu được nhiều lợi nhuận từ việc bán dầu thô trực tiếp ra thị trường thế giới thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, khi khai thác mỏ dầu ở trong và xung quanh tỉnh Kirkuk. Đây là một vấn đề mà không một quốc gia hoặc chính phủ có chủ quyền nào có thể chấp nhận trong một tuần, chứ nói gì đến nhiều năm mà chính phủ liên bang Iraq phải chịu đựng. Do sự hỗn loạn xảy ra bởi cuộc đồng khởi của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, chính phủ liên bang ở Baghdad đã không thể kiểm soát các vùng lãnh thổ trên phạm vi toàn quốc.
Chỉ mới đây, sau khi đánh bại nhóm khủng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Mosul và các nơi khác cùng với việc người Kurd Iraq tiến hành trưng cầu dân ý về độc lập, chính phủ liên bang ở Baghdad không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc áp đặt chủ quyền trên phạm vi toàn quốc.
Việc quân đội Iraq đánh đuổi dân quân người Kurd khỏi Kirkuk cho thấy cuộc xung đột ở đây đã bước vào giai đoạn “hậu IS”, với trọng tâm chuyển từ chống khủng bố sang khôi phục các đường biên giới quốc gia.
Về phần mình, Washington đang lâm vào tình thế khó xử, khi phải lựa chọn giữa Iraq (mà Mỹ đã tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc để đào tạo các lực lượng vũ trang kể từ khi Saddam Hussein bị sụp đổ vào năm 2003) và lực lượng dân quân Peshmerga của người Kurd (mà họ cũng đang hỗ trợ , tài trợ và vũ trang).
Tình hình người Kurd tại Syria rõ ràng khác với ở Iraq, liên quan đến sự hiện diện của Mỹ.
Không giống như ở Iraq, hoạt động quân sự của Mỹ ở Syria không có sự cho phép của chính phủ ở Damascus, do đó sự hiện diện này là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.
Người Kurd ở Syria - đang chiến đấu dưới danh nghĩa Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với sự hỗ trợ hậu cần, không quân và đặc nhiệm của Mỹ - đã giải phóng thành phố Raqqa, “thủ phủ” của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo, và đang tranh giành với chính phủ Damascus các mỏ dầu ở miền đông Syria.
Chỉ có điều, người Kurd cuối cùng cũng phải chấp nhận thực tế các đường biên giới quốc gia của Syria là không thể thương lượng và bất khả xâm phạm.