Ngày 1/10, cựu Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg chính thức đảm nhận chức vụ Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương NATO thay người tiền nhiệm Anders Fogh Rasmussen.
Ông Stoltenberg nhậm chức trong bối cảnh châu Âu và thế giới ngổn ngang nhiều vấn đề an ninh, có chiều hướng diễn biến đan xen phức tạp. Đấy là chưa kể vai trò của NATO đang bị hoài nghi về năng lực đối phó cũng như giải quyết thách thức. Sự thay đổi vị trí người lãnh đạo của NATO chắc chắn sẽ dẫn đến những thay đổi về chính sách của tổ chức quân sự này.
|
Tân Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương NATO Jens Stoltenberg. |
Ông Stoltenberg là một người rất kín đáo. Khi có tin ông sẽ thay ông Rasmussen từ nhiều tháng trước, ông Stoltenberg rất ít khi công khai xuất hiện và tuyên bố về các quan điểm của mình. Giới phân tích ở châu Âu vì thế đều rất dè dặt trong đánh giá về ông Stoltenberg. Họ chỉ có thể nhìn vào sự nghiệp chính trị của ông để đưa ra những nhận định ban đầu, theo đó, trong thời gian dài làm Thủ tướng Na Uy, ông Stoltenberg được xem là người có mối quan hệ tích cực với nước Nga và với cá nhân ông Putin và Medvedev.
Na Uy là nước có chung đường biên giới với Nga và dưới thời ông Stoltenberg, Nga và Na Uy có quan hệ khá tốt đẹp trong việc hoạch định biên giới trên biển hay việc miễn visa cho các công dân hai nước. Nhìn từ yếu tố này thì có thể dự đoán ông Stoltenberg sẽ giúp quan hệ NATO-Nga bớt căng thẳng hơn.
Nhưng vẫn là rất sớm để nhận định như thế bởi lẽ hai vai trò mà ông Stoltenberg đảm nhận khác hẳn nhau. Làm Thủ tướng Na Uy, một quốc gia láng giềng của Nga khác hẳn với làm người đứng đầu một tổ chức quân sự hùng mạnh nhất thế giới mà lại luôn có tham vọng mở rộng hoạt động. Căng thẳng NATO-Nga quanh vấn đề Ukraine không dễ giải quyết một sớm một chiều và một mình ông Stoltenberg cũng không thể quyết hết mọi thứ, mà sẽ phải chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các thành viên quyền lực như Mỹ hay các cường quốc châu Âu Pháp, Đức, Anh.
Vấn đề Ukraine – Thách thức lớn đối với tân Tổng thư ký NATO
Vấn đề Ukraine sẽ là một trong những thách thức lớn nhất của ông Stoltenberg và NATO. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này đòi hỏi những nỗ lực từ rất nhiều phía, từ Nga, phương Tây, Ukraine và cần có thời gian để có thể tìm ra giải pháp.
|
Quân nhân Mỹ tham dự cuộc tập trận Rapid Trident ở Ukraine. |
Đánh giá vai trò của NATO trong việc giải quyết khủng hoảng Ukraine không phải việc đơn giản. Trước hết, chúng ta cần nhận thức rõ những điều sau: Ukraine không phải là thành viên NATO và nhiệm vụ chính của NATO là phòng vệ tập thể, tức là về mặt quân sự chứ không phải chính trị. NATO không có không gian pháp lý để có thể can thiệp trực tiếp vào Ukraine và trên thực tế, họ cũng không hề có ý định can thiệp quân sự vào Ukraine. Vì thế, nhìn nhận vai trò của NATO trong giải quyết khủng hoảng Ukraine chỉ ở khía cạnh cân bằng chiến lược.
Về lâu dài, lợi ích của NATO vẫn là hợp tác với Nga để đảm bảo môi trường an ninh ổn định ở châu Âu hơn là tìm kiếm sự đối đầu.
NATO – Cái khó về khung pháp lý cho ý đồ mở rộng
NATO, ngay bản thân từ này đã là một hạn chế, bởi NATO tức là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, tức là khởi đầu NATO là một tổ chức quân sự, với mục đích phòng vệ tập thể với các thành viên là các quốc gia ở Bắc Đại Tây Dương.
Vì hạn chế không gian hoạt động của mình về mặt địa lý như thế khi muốn mở rộng tham vọng, NATO buộc phải thành lập được các khung pháp lý. Đầu tiên là kết nạp các thành viên vốn về mặt địa lý không nằm ở Bắc Đại Tây Dương, chẳng hạn Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp từ năm 1952 hay 1-2 thập kỷ gần đây là các nước Đông Âu và Baltic trong kế hoạch “Đông tiến”.
Là một tổ chức quân sự, được ràng buộc với nhau bởi điều 5 trong Hiệp ước, tức là phòng vệ tập thể, nên sự phát triển của NATO luôn bị các nước khác nghi ngại, đặc biệt là Nga. Nga coi việc NATO tiến sát đến biên giới của mình là một đe dọa cho an ninh quốc gia.
Tiếp đến, khi muốn mở rộng không gian hoạt động ra ngoài khu vực truyền thống của mình, chẳng hạn đến Afghanistan ở tận Trung Á, NATO lại phải điều chỉnh các tư duy chiến thuật.
Năm 2010, tại Hội nghị ở Lisbon, NATO đã đưa ra tư duy mới là “bảo vệ các công dân NATO ở cả bên trong và bên ngoài lãnh thổ”. Nói cách khác, ở đâu có công dân các nước NATO, ở đó NATO có quyền can thiệp. Đây là một bước đi tham vọng có tính toàn cầu của NATO và chính vì thế, NATO bị nghi ngờ và từ đó, các bước tiến bị chậm lại. Tóm lại, về mặt pháp lý, NATO vẫn chưa đạt được một bộ khung hoàn chỉnh cho tham vọng của mình.
Khó khăn tiếp theo là về mặt ngân sách. Sau chiến tranh lạnh, ngân sách quốc phòng các nước thành viên NATO, trừ Mỹ, hầu như đều bị liên tục cắt giảm nên các khoản đóng góp ngân sách cho NATO cũng bị giảm. Tiếp đến là việc EU hầu như giao phó toàn bộ sứ mệnh an ninh của mình cho NATO, thực chất là cho Mỹ vì Mỹ đóng góp 3/4 ngân sách NATO. Một mình gánh vác trọng trách đó nên khi nền kinh tế gặp khó khăn, Mỹ cũng khó lòng cáng đáng hết các nhiệm vụ của NATO.