Kết quả tổng tuyển cử Ấn Độ: Cục diện chính trị mới được xác lập

Google News

Không nằm ngoài dự đoán, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Modi đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và Thủ tướng Narendra Modi sẽ tái cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, nhưng kết quả này lại không đạt được như kỳ vọng.

Kết quả không như kỳ vọng

Theo kết quả kiểm phiếu cuối cùng được Ủy ban Bầu cử Ấn Độ công bố vào rạng sáng nay, khối Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) mà đảng BJP cầm quyền là nòng cốt đã về nhất với việc giành được 286 ghế trong tổng số 543 ghế của Hạ viện Ấn Độ khóa mới. Trong đó, riêng BJP giành được 240 ghế.

Về thứ hai trong cuộc chạy đua này là Khối Liên minh Toàn diện Phát triển Quốc gia Ấn Độ (INDIA) với 202 ghế; trong đó, đảng Quốc đại, nòng cốt của liên minh này chiếm 99 ghế.

Ket qua tong tuyen cu An Do: Cuc dien chinh tri moi duoc xac lap

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chào người ủng hộ khi ông tới trụ sở BJP ở New Delhi, ngày 4/6/2024. Ảnh: Reuters

Như vậy, khối NDA đã giành được chiến thắng cuối cùng đúng như các dự báo trước bầu cử để tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm 1 nhiệm kỳ 5 năm nữa. Tuy nhiên, kết quả này không được như ý bởi NDA, đặc biệt là BJP đã không thể tái lập chiến thắng áp đảo năm 2019. Trên hết, họ đã không đủ số ghế cần thiết để tạo ra liên minh chiếm đa số tuyệt đối tại Hạ viện khóa mới, như từng tuyên bố trong cuộc vận động tranh cử.

Kết quả này có thể coi là một bước lùi đối với BJP và đương kim Thủ tướng Narendra Modi. Sau cuộc bầu cử vừa qua, BJP vẫn chưa  giành đủ 272 ghế, tức một nửa số ghế tại Hạ viện khóa mới. Cục diện này khiến BJP sẽ không thể tự đứng ra thành lập Chính phủ khóa mới và sẽ phải chấp nhận liên minh để tiếp tục nắm quyền. Chắc chắn cục diện này sẽ có tác động nhất định tới đường lối chính sách của đất nước trong nhiệm kỳ tới, nhất là về kinh tế.

Sau 2 nhiệm kỳ liên tiếp nắm quyền gần như tuyệt đối, việc đảng BJP chiến thắng nhưng không thể giành được đa số tại Hạ viện khóa mới có thể coi là cú sốc lớn trong mùa bầu cử năm nay tại Ấn Độ. Nó cho thấy cử tri Ấn Độ đã có những thay đổi, có quan điểm khác về cục diện chính trị hiện tại của đất nước, với mong muốn đất nước có những điều chỉnh để mang lại ấm no, thịnh vượng cho từng người dân.

Ưu tiên chính sách của Thủ tướng Modi trong nhiệm kỳ mới

Tối ngày 4/6, ngay khi kết quả cuộc bầu cử Hạ viện được công bố, Thủ tướng Narendra Modi đã có cuộc họp với ban lãnh đạo đảng BJP cầm quyền và các đảng viên nòng cốt tại trụ sở ở thủ đô New Delhi. Ông tuyên bố, liên minh NDA do BJP lãnh đạo sẽ thành lập chính phủ kế tiếp thứ ba và đó là chiến thắng với quyết tâm của Tầm nhìn Viksit Bharat, hay Ấn Độ Phát triển. Thủ tướng Modi tuyên bố, đây là lần đầu tiên kể từ sau năm 1962, một chính phủ tại Ấn Độ đã hoàn thành đầy đủ hai nhiệm kỳ và đã tại nhiệm thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Ông tuyên bố, “lịch sử mới” đã được tạo ra sau 6 thập kỷ.

Rõ ràng, BJP và cá nhân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chuẩn bị tâm thế và cả những kế hoạch cần thiết cho nhiệm kỳ thứ ba của mình với mong muốn đưa Ấn Độ trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2047, thời điểm tròn 100 năm trở thành nước độc lập. Đó sẽ là sự kế thừa những thành tựu đã đạt được trong 2 nhiệm kỳ vừa qua.

Nổi bật nhất trong các chính sách và ưu tiên của Ấn Độ trong nhiệm kỳ tới sẽ là việc tập trung đầu tư vào lĩnh vực sản xuất để biến quốc gia này thành trung tâm sản xuất mới của thế giới. Trong đó, Chính phủ Ấn Độ đang lên kế hoạch thực hiện một loạt các biện pháp hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp, bao gồm việc thông qua các quy định giúp tuyển dụng và sa thải công nhân dễ dàng hơn.

Chính phủ Ấn Độ cũng muốn tiếp tục các chương trình trợ cấp cho sản xuất trong nước theo mô hình các gói chính sách hỗ trợ gần đây dành cho các công ty bán dẫn và nhà sản xuất xe điện. Tiếp đến, Ấn Độ cũng có kế hoạch giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng đầu vào cho sản xuất hàng hóa trong nước, điều đã đẩy chi phí sản xuất của Ấn Độ lên cao. 

Ấn Độ đặt tham vọng nâng đóng góp của nước này trong lĩnh vực sản xuất chế tạo của toàn cầu lên mức 5% vào năm 2030 và 10% vào năm 2047. Ưu tiên đẩy mạnh các ngành sản xuất trong nước cũng sẽ góp phần giải bài toán thất nghiệp cho kinh tế Ấn Độ - một vấn đề nhức nhối vốn chưa thể giải quyết triệt để trong thập kỷ qua. Chỉ khi nào mang tới công ăn việc làm cho đa số người dân, Ấn Độ mới có thể mang tới sự thịnh vượng và cất cánh trở thành nền kinh tế phát triển.

Những thuận lợi và thách thức

Rõ ràng, sau hai nhiệm kỳ cầm quyền, đảng BJP và Thủ tướng Narendra Modi đã xác định được mục tiêu, cách thức và xây dựng nền tảng để mang lại sự thịnh vượng cho hơn 1,4 tỷ người dân Ấn Độ. Thành công của giai đoạn trước tới vào thời điểm BJP cùng các đảng trong liên minh nắm đa số tại Hạ viện Ấn Độ nên có thể dễ dàng thông qua và thực thi các chính sách lớn về kinh tế. Nhưng với tình thế hiện tại, khi không thể tự mình đứng ra thành lập Chính phủ, liệu BJP có còn tập hợp đủ sự ủng hộ cần thiết để tiếp tục các cải cách hay không? Khả năng đàm phán lập liên minh của BJP trong thời gian tới sẽ quyết định đường hướng và thành công của các chính sách của Chính phủ trong tương lai.

Trong 10 năm vừa qua, thành công của chính quyền Modi là tạo ra đột phá về tăng trưởng kinh tế; khắc phục được một số điểm yếu của đất nước, mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư - cả trong và ngoài nước - về sự ổn định chính sách cũng như nỗ lực phối hợp hướng tới cải cách kinh tế. Tuy nhiên, quá trình này không hề dễ dàng và đôi khi vấp phải những cản trở từ trong nội tại đất nước. Ví dụ, Chính phủ đã thất bại trong việc tiến hành cải cách chính sách thu hồi đất đai hay không thể thuyết phục được nông dân về các dự luật cải cách ngành nông nghiệp và buộc phải bãi bỏ chúng. Vậy đâu là cơ sở để có thể tin rằng trong nhiệm kỳ 3 của Thủ tướng Modi, Ấn Độ có thể đẩy các cải cách đi tới tận cùng?

Một khảo sát do hãng tin Reuters tiến hành, tham khảo ý kiến của các quan chức, đại diện nhà đầu tư lớn, các nhà kinh tế và giới công đoàn đã xác định 3 trở ngại đáng kể đang cản trở Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Đó là luật lao động hạn chế, các vấn đề về thu hồi đất và chế độ thuế quan kém hiệu quả. Việc giải quyết 3 vấn đề này có thể sẽ là chìa khóa để tối ưu hóa các lợi thế của Ấn Độ trong lĩnh vực kinh tế.

Theo Phan Tùng/VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)